Thứ Sáu | 02/08/2013 08:14

Tổng Giám đốc VAMC: Có 3 lợi ích khi bán nợ xấu

Theo Tổng giám đốc VAMC, quan trọng là các TCTD phải nhận thức được rằng, giải quyết nợ xấu là việc làm cần thiết vì lợi ích của chính họ.
Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hữu Thủy - Tổng Giám đốc công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) xung quanh hoạt động của công ty này.

VAMC sẽ tiến hành mua nợ xấu của các ngân hàng ngay sau khi đi vào hoạt động, thưa ông?

Chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra từng món nợ, làm việc tới từng ngân hàng, tổ chức cần bán nợ. Sau khi thống nhất được phương án xử lý nợ xấu sẽ ký hợp đồng. Theo đó, VAMC sẽ thực hiện mua nợ theo 2 phương thức: Mua nợ xấu của tổ chức tín dụng (TCTD) theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc, sau khi khấu trừ số tiền dự phòng đã trích lập chưa sử dụng của khoản nợ, bằng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Phương thức mua thứ hai là mua nợ xấu của TCTD theo giá thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt.

Nhiều chuyên gia cho rằng Nghị định 53/2013/NĐ-CP quy định hoạt động của VAMC chưa thực sự sát với tình hình thực tế ?

Theo quy định tại Nghị định 53, VAMC mua nợ của các TCTD khi các khoản nợ đáp ứng được một số điều kiện. Đó là khoản nợ xấu của TCTD, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu DN, ủy thác mua trái phiếu DN, ủy thác cấp tín dụng….

Tuy nhiên các khoản nợ xấu đó phải có tài sản bảo đảm. Và nợ xấu có tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ. Điểm quan trọng nhất khách hàng là cá nhân hay DN vay vẫn còn tồn tại. Những điều kiện quy định tại Nghị định này theo tôi là rất phù hợp với quy chế cho vay của NHNN và thực tế thị trường.

Trái phiếu VAMC phát hành không do Chính phủ bảo lãnh mà chỉ do NHNN bảo lãnh. Vậy tính thanh khoản của trái phiếu này có cao không?
Nghị định 53 đã nói rất rõ, là trái phiếu này sẽ không chuyển đổi trên thị trường, mà là một giấy nhận nợ của VAMC, có thể tới NHNN để tái chiết khấu. Tất nhiên, sử dụng trái phiếu phải có mục đích.

Với vốn điều lệ 500 tỷ đồng, vậy làm sao VAMC sẽ xử lý được số nợ xấu từ 40 -70 nghìn tỷ đồng (theo như kỳ vọng của NHNN)?

Vốn điều lệ 500 tỷ đồng của VAMC chỉ là hệ số đảm bảo an toàn, ngay các TCTD hay VAMC cũng không hoạt động trên vốn điều lệ của mình. Chúng tôi không "ép" các ngân hàng này bán nợ, mà đây là nhiệm vụ rất lớn của nền kinh tế, xử lý được nợ xấu là để các ngân hàng nhẹ gánh nhằm phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế tốt hơn.

Ngoài ra, không chỉ riêng các ngân hàng có nợ xấu trên 3% sẽ bán nợ cho VAMC, mà ngay cả TCTD có nợ xấu ít hơn 3% thì VAMC sẵn sàng thảo luận để mua nợ xấu từ các ngân hàng này. Việc xử lý nợ xấu là để ngân hàng thương mại rảnh nợ và phục vụ DN tốt hơn.

Có thể nói, vốn điều lệ của VAMC tuy nhỏ, so với nhiều công ty mua bán nợ của các quốc gia trên thế giới, nhưng chúng tôi có nhiều nguồn để huy động vốn như phát hành trái phiếu đặc biệt. Malaysia là một ví dụ điển hình khi phát hành thành công loại trái phiếu này. Ngoài ra, VAMC có thể vay trong nước hoặc các tổ chức quốc tế. ..

Thông tư 02 được hoãn thực hiện một năm, nhiều chuyên gia cho rằng, các ngân hàng sẽ tìm cách giấu nợ xấu nhằm tránh VAMC "sờ gáy", do vậy VAMC khó có "hàng" để xử lý?

Mục tiêu xử lý nợ xấu là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tín dụng. Một số TCTD có nợ xấu dưới 3% hoàn toàn có thể bán nợ cho VAMC. Trên thực tế, để biết con số nợ xấu chính xác trong từng TCTD là rất khó, bởi các tiêu chí đánh giá nợ xấu của các TCTD khác nhau, nhưng rõ ràng nợ xấu không thể che giấu mãi được.

Việc định lượng nợ xấu là một chuyện, nhưng quan trọng là các TCTD phải nhận thức được rằng, giải quyết nợ xấu là việc làm cần thiết vì lợi ích của chính họ.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng có 3 lợi ích của TCTD khi bán nợ xấu cho VAMC. Đó là, chuyển được nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài chính, các TCTD có thời gian để trích lập dự phòng, vì nếu là nợ xấu thì phải trích lập hết, nhưng khi chuyển nợ về VAMC theo Nghị định 53 thì các TCTD có thể trích lập dần trong 5 năm. Bên cạnh đó, khi TCTD sở hữu trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành để mua nợ thì họ có thể mang trái phiếu đến NHNN tái chiết khấu để bù đắp thanh khoản.

Ngoài Vietcombank công bố nợ xấu trên 3%, mới đây ACB đánh tiếng muốn bán lại nợ xấu cho VAMC? Ý kiến ông về vấn đề này?
Như đã nói ở trên, nếu các ngân hàng, các TCTD đồng ý bán nợ cho VAMC, sau khi thống nhất phương án xử lý nợ xấu 2 bên sẽ ký hợp đồng. ACB hay Vietcombank nếu không có phương án xử lý nợ xấu, họ sẽ phải gánh trên lưng nhiều loại chí phí. Trong đó, lãi vay vẫn phải trả đều đặn cho người gửi tiền, rồi bản thân mỗi ngân hàng phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ để trích lập dự phòng rủi ro… Do vậy, nếu xử lý được nợ họ sẽ làm cho các khoản nợ đó sinh lời thông qua VAMC.

VAMC đã đi vào hoạt động, vậy tác động của AMC đến nền kinh tế là như thế nào? Liệu chúng ta có đang quá kỳ vọng vào VAMC không?

Chính phủ đã đưa ra đề án tái cấu trúc nền kinh tế, và ngân hàng là một cấu phần trong đó. Để cấu trúc hệ thống ngân hàng thì có đề án tổng thể về giải quyết nợ xấu. Và VAMC là một trong những công cụ để thực hiện điều đó. Do đó, không thể nói chỉ một công cụ có thể thay thế cho tất cả.

Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp


Sự kiện