Chủ Nhật | 10/02/2013 10:52

Tổng giám đốc Ngân hàng Bangkok: Việt Nam đang hồi phục mạnh mẽ

Mặc dù nền kinh tế còn nhiều rủi ro, Việt Nam được dự đoán sẽ tạo ra nhiều khác biệt năm 2013 và là cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tờ Bangkok Post gần đây đã có một bài viết nhận định về kinh tế Việt Nam, theo đó, các nhà đầu tư đánh giá sự hồi sinh mạnh mẽ của Việt Nam trong năm 2013 và sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư đến từ Thái Lan.

1

Với một nền kinh tế bắt đầu phục hồi, năm 2013 có thể là khoảng thời gian tuyệt vời cho các nhà đầu tư Thái Lan tìm hiểu và nắm bắt cơ hội, ông Tharabodee Serng-Adichaiwit, Tổng giám đốc Ngân hàng Bangkok tại Việt Nam nhận định. “Tôi vẫn tin tưởng mạnh mẽ rằng những khó khăn mà chúng ta nhìn thấy chỉ là bất ổn ngắn hạn cho nền kinh tế Việt Nam, hiện chính phủ đang nỗ lực giải quyết những vấn đề này. Một khi các biến động được giải quyết ổn định, nền kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Asia Focus.

Mặc dù vẫn còn lo ngại về những khoản nợ khổng lồ gây ra bởi các khoản nợ xấu cao, ông Tharabodee cũng lạc quan hơn bởi Chính phủ Việt Nam hiện đang thúc đẩy các vụ sát nhập và mua lại. Tuy sẽ đem lại kết quả là số lượng ngân hàng ít đi nhưng sức mạnh tài chính sẽ lớn hơn trong tổng thể toàn hệ thống.

Ông Tharabodee cho rằng lạm phát đã được kiểm soát, đồng Việt Nam cũng đã ổn định, dự trữ ngoại hối đang tăng mạnh và thâm hụt ngân sách đang được thu hẹp lại. “Cán cân thương mại được thực hiện một cách tốt hơn nhiều. Sau gần một thập kỷ thâm hụt ngân sách, Việt Nam đang bắt đầu đón nhận các khoản thặng dư ngân sách. Mặc dù con số này không cao, nhưng là tin tốt, nhờ vào tăng trưởng xuất khẩu và lượng kiều hối tăng”, ông nói.

2

Hiện nay, môi trường kinh doanh đã ổn định. Nếu nhìn vào dữ liệu của Phòng đăng ký kinh doanh của Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, khoảng 55.000 doanh nghiệp tại Việt Nam đã nộp đơn xin phá sản vào năm 2012, nhưng cũng có khoảng 65.000 doanh nghiệp mới được đăng ký.

Sự tăng trưởng ròng số lượng 10.000 doanh nghiệp mới này đang tác động đến các tập đoàn lớn phải xử lý vấn đề thanh khoản. Đối với hầu hết các doanh nghiệp, các khoản vay ngân hàng không phải là một lựa chọn ưu tiên vì lãi suất cho vay vẫn ở mức cao, mặc dù các mức lãi suất đã được giảm bớt nhiều lần trong năm nay.

“Rất nhiều công ty trong nước sẵn sàng bán thông qua các giao dịch sáp nhập và mua lại, nó cung cấp một cơ hội tuyệt vời cho các nhà đầu tư nước ngoài mua được các tài sản giá rẻ, đặc biệt là các tài sản thương mại, nhà máy sản xuất, khách sạn, những tài sản thường được định giá rất cao”, ông Tharabodee cho biết.

Ông cũng khuyên các nhà đầu tư Thái Lan nên nắm bắt cơ hội để tham gia vào ngành công nghiệp du lịch ở Việt Nam bằng cách lấp đầy các khoảng trống trong thị trường khách sạn cao cấp phục vụ cho các khách du lịch nước ngoài ngày càng gia tăng.

Hiện nay, vẫn còn một số lượng lớn các khách sạn và khu nghĩ dưỡng cao cấp trên danh nghĩa trong khi dịch vụ và điều hành thì kém cỏi, không thể đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch tới Việt Nam, một đất nước còn nhiều vùng hoang sơ và chưa được khám phá.

“So với các nước khác trong khu vực, khả năng cạnh tranh và phát triển du lịch Việt Nam vẫn chưa đồng đều và không tương xứng với tiềm năng. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư ngoại, những người thường không lưu trú lâu dài”, ông Tharabodee nói, “Về đầu tư du lịch, Thái Lan đã có kinh nghiệm và từng trải qua tình hình giống như Việt Nam hiện nay, vì thế sẽ biết chính xác những gì sẽ đến với Việt Nam trong tương lai”.

Theo nghiên cứu của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong năm 2012 Việt Nam đón 6,5 triệu khách du lịch nước ngoài, tăng 6,3% trong vòng năm năm. Dự kiến sẽ có khoảng 5.000 phòng khách sạn sẽ được đưa vào phục vụ trong năm nay, nằm ở nhiều tiêu chuẩn khác nhau từ rất thấp đến rất cao.

3

Năm ngoái, Ngân hàng Bangkok đã quyết định sự phát triển lâu dài của mình tại Việt Nam bằng cách gia hạn giấy phép hoạt động tới 99 năm, thời gian hoạt động dài nhất từ trước đến nay cho một ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam. Sau chiến tranh, ngân hàng này trở lại Việt Nam vào năm 1992, kể từ đó, nó đã hỗ trợ cho hơn 100 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các dự án trong nước.

“Các tỉnh thành Việt Nam đang nỗ lực thu hút nhà đầu tư bằng cách mở ra các trung tâm dịch vụ hành chính một cửa”, ông Tharabodee chia sẻ, “Các nhà đầu tư có thể được cấp phép và bắt đầu xây dựng việc kinh doanh của mình trong vòng ba tháng. Do đó, các nhà đầu tư có thể trực tiếp đầu tư mà không cần phải thông qua liên doanh nữa”.

“Tuy nhiên, nếu cần thiết, việc hợp tác với các doanh nghiệp địa phương nhằm phát huy tối đa khả năng và ra quyết định thẩm quyền là điều cần thiết.”

Ông cũng khuyến khích các công ty Thái Lan chuyển nhà máy của họ tới Việt Nam để hưởng chi phí lao động thấp hơn và ổn định hơn về chính trị. Việt Nam có 90 triệu dân, độ tuổi trung bình là 27 và tỷ lệ biết chữ là 94%. Sự nhiệt tình, tận tâm trong công việc của lực lượng lao động trẻ là một lợi thế lớn của Việt Nam.

Nhà điều hành Ngân hàng Bangkok Việt Nam nhận định rằng trình độ quản lý nhà nước ở Việt Nam hiện vẫn ở mức trung bình, nhưng ông tin rằng nhà đầu tư có thể khắc phục được. Ngân hàng Bangkok Việt Nam cũng đang quan tâm đến việc sẽ phục vụ như là trung tâm thông tin quan trọng cho các nhà đầu tư Thái Lan tìm kiếm cơ hội khám phá Việt Nam. Ông Tharabodee khẳng định: “Sự hợp tác kinh tế giữa hai nước sẽ được tăng cường, cùng nhau tiến tới hội nhập ở khu vực ASEAN”.

Nguồn Infonet


Sự kiện