Tổng giám đốc duyệt mua hàng trăm toa tàu cũ Trung Quốc bị cách chức
Ngày 4-2, Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam đã họp khẩn kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân và tập thể Công ty Cổ phần Vận tải Đường sắt Hà Nội.
Theo đó, Tổng công ty Đường sắt đã quyết định kỷ luật với ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng giám đốc Vận tải đường sắt Hà Nội (là người đại diện phần vốn Nhà nước), Hội đồng thành viên Tổng công ty bằng hình thức cách chức, điều chuyển ông đến một vị trí khác do hạn chế năng lực về quản lý.
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ngành này có chủ trương đầ tư đóng mới và mua toa xe mới từ nước ngoài. Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đã đi khảo sát tại Trung Quốc, xây dựng kế hoạch đầu tư. Tuy nhiên, ban điều hành công ty này đã không báo cáo, xin chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, vị lãnh đạo này cũng cho biết, Tổng công ty đường sắt không có chủ trương mua tàu cũ. Việc đề xuất mua tàu cũ của Công ty vận tải đường sắt Hà Nội chưa được trình lên Hội đồng thành viên Tổng công ty để thông qua.
Được biết, sau khi có thông tin nêu trên, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã yêu cầu hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt cho thôi nhiệm vụ đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội đối với ông Nguyễn Viết Hiệp, đồng thời chỉ đạo Hội đồng quản trị công ty này cách chức Tổng giám đốc của ông này.
Ngoài ra, cuộc họp của Hội đồng thành viên Tổng công ty cũng đã yêu cầu lãnh đạo và các cán bộ liên quan của Công ty cổ phần vận tải Hà Nội tiến hành kiểm điểm lại, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến đề xuất nhập khẩu tàu cũ.
Trước đó, Tổng công ty đường sắt Việt Nam xác nhận vừa đồng ý cho phép Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội mua lại hơn 160 toa xe cũ từ Trung Quốc.
Trong đó, có 120 toa được đóng từ hơn 20 năm trước và gần 20 toa mới nhất trong lô hàng cũng đã có tuổi đời 12 năm. Đây đều là những toa xe được sử dụng trên đường ray khổ 1.000mm phù hợp với điều kiện hạ tầng Việt Nam.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tuy đây là các toa xe cũ nhưng khi được nhập phải đảm bảo hàng rào về các quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng mới được nhập chứ không phải đưa hàng "hết đát" về nước: "Toa xe khác với ô tô, nó chỉ là phần vỏ không kèm theo động cơ nên không ảnh hưởng đến môi trường. Hiện Việt Nam cũng sản xuất được các toa xe, nhưng các phụ kiện cũng phải nhập từ Trung Quốc. Vì vậy, doanh nghiệp cũng tính toán để khi đưa những toa xe này về nước vừa giảm được chi phí vừa giúp kinh doanh có hiệu quả..."-vị lãnh đạo nói và cho rằng hiện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mới đồng ý về chủ trương, tuy nhiên muốn nhập khẩu những toa tàu này về nước còn phải xin ý kiến của Bộ Khoa học & Công nghệ và Bộ GTVT.
Được biết, từ giữa năm ngoái, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có văn bản gửi Cục Đường sắt Côn Minh (Trung Quốc) và giao cho Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và Công ty Cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt đứng ra thương thảo với đối tác và xúc tiến thủ tục hợp đồng.
Nguồn Pháp luật TP.HCM