mặc dù Tập đoàn này chiếm đến 51 - 52% thị phần xăng dầu toàn quốc nhưng trên thực tế Petrolimex chỉ thống lĩnh trên những địa bàn khó khăn, có chi phi kinh doanh cao nên "không ăn thua mấy".
Trước những nghi vấn của dư luận về khoản lãi gần 2.000 tỷ trong năm 2013 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Giám đốc Trần Văn Thịnh cho biết, trong năm 2013, với việc bán 8,1 triệu tấn, m3, lợi nhuận trước thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu của Petrolimex đạt xấp xỉ 96 đồng mỗi lít, kg đã mang về khoản lợi nhuận năm 2013 lên đến 1.929 tỷ đồng, tăng 97% so với năm 2012.
Tuy nhiên, khoản lãi này chủ yếu là do việc điều hành giá đã “thị trường hơn”. Con số này cũng là lãi hợp nhất từ 74 đơn vị, bao gồm 42 công ty xăng dầu thành viên hoạt động trong nước, 2 công ty hoạt động ở nước ngoài (Singapore và Lào), 4 tổng công ty (gas, hóa dầu, bảo hiểm, tổng công ty vận tải thủy) và các tổng công ty cổ phần.
Mặc dù lãi nhiều, thị phần lớn, song Tổng Giám đốc Petrolimex lại cho rằng, địa bàn mà Petrolimex kinh doanh phần lớn là những vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, còn những "mảnh đất màu mỡ" thì thị phần của Tập đoàn này chiếm rất ít.
"Nhiều người cho rằng Petrolimex chiếm 51 -52% thị phần xăng dầu toàn quốc là đang độc quyền, nhưng thực tế Petrolimex chỉ chiếm thị phần lớn, lên đến 70 - 90% ở những địa bàn khó khăn, có chi phí kinh doanh cao. Chẳng hạn như ở Điện Biên, chỉ riêng tiền vận chuyển lên đến địa bàn bình quân đã vào khoảng 1.600 đồng/lít xăng dầu, trong khi đó chi phí kinh doanh chỉ có 860 đồng/lít.
Hay rất nhiều địa bàn cấp huyện chỉ mỗi Petrolimex tham gia cung cấp xăng dầu, như huyện Đồng Văn (Hà Giang). Tuy nhiên tại những địa bàn thuận lợi như khu vực TP.HCM, các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, thì Petrolimex chỉ chiếm 30-40% thị phần" - ông Thịnh phân trần.
Petrolimex hiện có gần 2.200 cửa hàng và xấp xỉ 4.000 cửa hàng thuộc các đại lý và tổng đại lý. Bên cạnh lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, khí hóa lỏng (gas), Petrolimex còn kinh doanh bảo hiểm, vận tải xăng dầu, dịch vụ, xây lắp...