Hình ảnh minh họa: TL.
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỉ đồng
Ngày 29/12, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành trung ương, và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ.
Trình bày tham luận tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng nhằm giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng Nhà nước duy trì tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong cơ cấu nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân trên thị trường thì nguồn nhận tiền gửi 2% của các tổ chức tín dụng Nhà nước đóng một vai trò rất quan trọng và chiếm tỉ trọng lớn, đặc biệt trong thời gian đầu khi Ngân hàng Chính sách xã hội mới đi vào hoạt động; Ngân hàng Nhà nước cũng tái cấp vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội có nguồn lực triển khai các chương trình tín dụng chính sách.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh chia sẻ, thông qua vốn tín dụng chính sách, đã giúp cho gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động (trong đó hơn 141 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài). Vốn tín dụng chính sách cũng góp phần quan trọng trong việc giảm tỉ lệ hộ nghèo nhanh và bền vững theo chuẩn nghèo từng thời kỳ.
Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Dương Quyết Thắng. Ảnh: SBV. |
Theo Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng, trải qua 20 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước.
Đến 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỉ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỉ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỉ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỉ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.
Ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với doanh số cho vay gần 18 nghìn tỉ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng.
Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỉ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ (thời điểm 30/11/2022).
Có thể bạn quan tâm
Nguồn Theo Ngân hàng Nhà nước