Tổng cục trưởng tổng cục Thống kê: CPI tăng, không đáng lo ngại
CPI tăng do hai nguyên nhân chính. Một là giá lương thực thực phẩm ở cả hai đầu đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng Bắc bộ tăng. Trong Nam là do thu mua lương thực ứng trước, ngoài Bắc thì do mấy trận mưa bão ảnh hưởng. Nhưng đó không phải là nguyên nhân cơ bản, nên không lo ngại giai đoạn sau nó tăng hơn nữa. Nước ta trên mấy chục phần trăm nông nghiệp, nếu tăng lương thực thực phẩm một chút thì túi nọ sang túi kia thôi, nếu mà phân tích sâu xa. Nên không lo ngại về việc đó.
Thứ hai là dịch vụ y tế ở Hà Nội tăng, quy mô lớn nên ảnh hưởng. Điện thì tăng rồi, xăng dầu tăng vừa rồi lại giảm, không ảnh hưởng đến cuối năm đâu.
Ông có thể phân tích sức mua?
Sức mua thì không có gì đột biến, cầu cũng ở trong trạng thái ổn thế thôi, chứ không gây tăng CPI tháng 8. Chưa có yếu tố cơ bản để tăng cầu, khả năng thanh toán của khu vực từ cả mấy tháng vừa rồi cũng nằm trong kỳ vọng của chúng tôi.
Vậy tình hình doanh nghiệp thì sao, thưa ông?
Qua điều tra, tình hình doanh nghiệp ở trạng thái đang ổn định dần. Từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay, tình hình doanh nghiệp rất là căng thẳng, nhiều nơi giải thể, nhưng cuối quý 2 vừa rồi số doanh nghiệp đăng ký lại bắt đầu tăng lên, không đáng báo động như thời gian trước. Chúng tôi cho rằng kinh tế đang ổn dần, tín hiệu tốt đang trở lại.
Có dấu hiệu nào khác chứng tỏ kinh tế đang lạc quan?
Trong công nghiệp chế biến, một số ngành đang tăng, tốc độ tăng nhanh và khá hơn, tôi cho là tín hiệu tốt. Hay như cán cân thương mại, xuất khẩu mình vẫn duy trì được tốc độ tăng như trong kế hoạch, nhập khẩu thì các tháng gần đây có dấu hiệu tăng nhập nguyên vật liệu. Đó là những tín hiệu khả năng sản xuất thời gian tới có chiều hướng tốt hơn.
Ngân hàng cũng cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng, được dự báo sẽ đạt 12% như kế hoạch. Tín dụng tăng trong dịp vừa rồi, chứng tỏ một phần nào đấy dòng tiền cho sản xuất có khá hơn.
Cảm nhận của người dân là tình hình việc làm vẫn khó khăn?
Tất nhiên vừa qua tình trạng doanh nghiệp khó khăn thì rõ ràng việc làm cũng khó khăn. Trong các cơ quan nhà nước, có kiểm soát chặt chẽ hơn, nhằm không tăng biên chế trong các cơ quan hành chính, dễ tạo tâm lý đó. Về mặt kinh tế - xã hội, nhu cầu lao động, chỗ này cần chỗ kia đào thải. Chuyện đó có, tạo tâm lý cho người lao động từ cuối năm ngoái đến nay. Tôi nghĩ là tình hình sẽ tốt hơn về cuối năm.
Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng CPI tăng do điện, xăng, một số viện phí, học phí tăng nhưng vẫn trong giới hạn. Tín dụng tăng lên một chút, có cải thiện một số điều kiện để doanh nghiệp tốt hơn, chứ hồi phục thì chưa có. Tín dụng tăng hơn 5%, chưa nhiều đủ để cứu doanh nghiệp được. Biện pháp không có gì mới, bây giờ cần thực hiện kiên quyết, đồng bộ những chủ trương đã đặt ra. |
Nguồn Sài Gòn tiếp thị