Tổng cục Thống kê: Lạm phát khó giữ 7% trong cả năm 2012
Ông Đỗ Thức, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nói: "Trước đây, khi CPI âm, chúng tôi từng dự báo đó chỉ là mức giảm tạm thời và sẽ tăng trở lại vào các tháng cuối năm. Nhưng không ngờ CPI tháng 9 lại vọt mạnh đến thế, vì ban đầu, chúng tôi chỉ nghĩ, mức tăng sẽ vào khoảng 1,5%".
Ông Thức khẳng định: "Với đà này, rất khó khăn để từ giờ đến cuối năm giữ được lạm phát 7%!"
Bốn nhóm hàng tăng giá vừa qua đã có tổng mức tăng tới 2,1%, đều mang tính thời vụ, hoặc xuất phát từ chủ trương, chính sách thị trường hóa ngành hàng hay từ các quyết định hành chính của Chính phủ.
Ông Thức nói: "Khi hai bộ Tài chính - Y tế bàn về viện phí hay Bộ Giáo dục bàn vấn đề học phí, cũng đều biết sẽ tác động tăng giá nhưng tác động tăng mạnh như hiện nay thì có lẽ, các bộ cũng không thể lường được".
Bên cạnh đó, giá xăng, gas, giá điện tăng liên tiếp đã ngấm sâu vào giá vận tải, giá hàng hóa nói chung, khiến CPI các nhóm này đều tăng 2 - 3%.
Ông Thức nhấn mạnh: "Nếu Chính phủ đặt mục tiêu CPI cả năm trong vòng 7 - 8% thì cũng phải tính toán rất kỹ càng các chính sách điều hành sắp tới. Những cảnh báo vừa qua của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia là không thừa".
Ngay đầu tháng 8, cơ quan giám sát tài chính quốc gia đã bày tỏ quan điểm không thể chủ quan với lạm phát. Đỗ trễ của lạm phát bao giờ cũng nằm trong khoảng 6 tháng. Nếu để lạm phát bình quân 1%/tháng vào 4 tháng cuối năm thì lạm phát bình quân theo năm sẽ là 2 con số. Điều này sẽ tác động tiêu cực tới ổn định kinh tế vĩ mô vào năm 2013.
Trong khi đó, CPI tháng 9 tăng 2,2% đã là gấp đôi mức tăng mà cơ quan này khuyến cáo. Dư địa cho CPI 3 tháng còn lại của năm sẽ chỉ còn trung bình 0,6%/tháng. Rõ ràng, thời gian tới, có quá nhiều yếu tố bất lợi để hãm phanh CPI như vậy.
Sang tháng 10, học phí, viện phí có thể còn tiếp tục tăng ở một số tỉnh, thành. Giá xăng dầu, giá gas phụ thuộc giá thế giới, nếu bên ngoài tăng thì giá trong nước cũng không tránh khỏi tăng theo. Chính sách thị trường hóa các mặt hàng cơ bản đag cho phép, giá xăng được phép 1 tháng tăng 3 lần. Giá điện có "quyền" tăng ít nhất 5% kể từ tháng 10 tới, đồng nghĩa, giá than sẽ tăng theo.
Riêng về điểm này, ông Đỗ Thức đã ước tính, nếu giá điện tăng sẽ đẩy CPI cả năm sẽ vào khoảng 8%. Thêm vào đó, chu kỳ tăng của giá gas cũng thường 1 - 2 lần/tháng.
Những chính sách giá của Chính phủ là đảm bảo mục tiêu theo cơ chế thị trường nhưng khi thực hiện dồn dập, sẽ tạo ra sức ép tâm lý, gây ra hiện tượng tăng giá "ảo". Chưa kể, đặc tính thời vụ không thể bỏ qua là CPI tháng giáp Tết thường ở mức cao vì cầu tăng.
Dự báo mới nhất mà Tổng cục Thống kê vừa phải điều chỉnh cho thấy, CPI có thể vượt 7%. Tốc độ tăng trưởng GDP cũng chỉ đạt 5,1 - 5,2%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu ban đầu là 6 - 6,5%.
Tuy nhiên, ông Đỗ Thức cho biết, mục tiêu Chính phủ yêu cầu phải kiểm soát lạm phát năm nay dưới 2 chữ số là vẫn đạt được.
Nguồn Vietnamnet