Thứ Sáu | 26/12/2014 15:29

Tổng cục Thống kê: “Không bao giờ sửa số liệu CPI”

Không có chuyện sửa số liệu thống kê chỉ số giá tiêu dùng, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê.

Không sửa số liệu CPI

Với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12/2014 so với tháng 12 năm trước tăng 1,84% so với tháng 12/2013, bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,14%; CPI cả năm 2014 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,09%, bà Dương cho rằng các yếu tố chính làm nên chỉ số trên là nguồn cung về lương thực, thực phẩm dồi dào nên chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống chỉ tăng 2,61% so với tháng 12 năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5,08% của năm 2013. 

Mức độ điều chỉnh giá của nhóm hàng dịch vụ công về giáo dục, y tế thấp hơn. Y tế chỉ tăng 2,2% so với tháng 12 năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 23,51% của năm 2013. Dịch vụ giáo dục tăng 8,96% so với tháng 12 năm trước, thấp hơn so với mức tăng 12,82%.

Giá các mặt hàng thiết yếu ổn định đặc biệt giá nhiên liệu giảm mạnh nên giá xăng dầu được điều chỉnh giảm kéo theo nhóm hàng nhà ở, vật liệu xây dựng, giao thông giảm, ngược chiều so với mức tăng của năm 2013. 

Ngoài ra, tâm lý người tiêu dùng khi kinh tế khó khăn thắt chặt chi tiêu, cân nhắc khi mua sắm, không mua hàng tích trữ các dịp lễ tết…

Theo đó, bà Dương cho biết, giá tiêu dùng đã có những bước đi chậm, ít gây cú giật mình song CPI vẫn làm nhiều người ngỡ ngàng khi nhiều quy luật bị phá vỡ. 

Trước băn khoăn liệu có sự điều chỉnh, tô hồng các số liệu thống kê hay không, bà Dương khẳng định: “Tổng cục Thống kê không hề điều chỉnh số liệu, không sửa và không bao giờ có chuyện sửa, chỉ có trách nhiệm giải trình, lý giải vì sao tăng cao, vì sao giảm”.

Đồng thời, bà Dương cũng cho biết, việc phân tích giá cả không nên chỉ bó hẹp trong việc phân tích giá theo tháng hoặc chỉ so với tháng 12 năm trước, các chỉ tiêu kinh tế phải được so sánh cùng kỳ.

“Hiện nay chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước GDP, giá trị sản xuất nông nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP, sản phẩm tồn kho công nghiệp, tổng mức bán lẻ, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa, vận tải, khách quốc tế đã là số so sánh cùng kỳ vì vậy số liệu CPI khi đặt bên cạnh các chỉ tiêu khác phải là số liệu so sánh cùng kỳ”, bà Dương nói.

CPI tăng cao hơn nhiều nước trong khu vực

Vị đại diện của Tổng cục Thống kê cũng lưu ý, CPI tăng thấp là so với Việt Nam còn con số này vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Brunei tương đương Campuchia, thấp hơn Lào, Myanmar,

“Đây cũng là điều cần phải suy ngẫm, tìm lời giải vì sao cùng phụ thuộc vào giá thế giới, cùng điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế nhưng trong khu vực, biến động giá cả của Việt Nam vẫn cao hơn”, bà Dương nói. 

Sau cùng, đưa ra dự báo về CPI năm 2015 bà Dương đồng tình với ý kiến của một số chuyên gia kinh tế cho rằng CPI năm 2015 sẽ tăng trên dưới 4%. Nếu lạm phát ở mức thấp sẽ là cơ hội để ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Với tiêu dùng khi lãi suất huy động và cho vay giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn. 

“Cầu tăng lại có tác động tích cực đến mở rộng sản xuất và kéo theo tăng trưởng tốt hơn. Vì vậy, trong mối liên hệ kinh tế liên ngành, giá tăng thấp sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức”, bà Dương nhận định.

Nguồn Bizlive