Thứ Ba | 13/11/2012 08:51

"Tổng công ty thuộc Bộ Xây dựng gặp nhiều khó khăn"

Trước câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng chưa dám hứa năm 2013 sẽ thực hiện tái cơ cấu xong các doanh nghiệp thuộc Bộ.
Trong chất vấn trước Quốc hội sáng nay (13/11), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng tiếp tục trả lời về vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng.

Về câu hỏi của đại biểu Lê Như Tiến (Quảng trị) rằng có bao nhiêu tổng công ty thuộc Bộ đang thua lỗ, nợ đọng, đầu tư ngoài ngành, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, các tổng công ty của Bộ Xây dựng nói chung cũng như các doanh nghiệp hiện nay đều ở trong tình trạng nhiều khó khăn.

Cụ thể, Tổng công ty Lắp máy (Lilama) phải xử lý nợ xấu của một số công trình hiện nay chưa thanh toán xong do nợ đọng hoặc xử lý những vấn đề liên quan đến kết luận thanh tra, trong đó có vấn đề về nhà máy xi măng Hạ Long. Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (Coma) cũng phải nghiên cứu xử lý nợ xấu ở đây nhà máy xi măng Đồng Bằng.

Theo Bộ trưởng, việc thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thanh quyết toán trong lĩnh vực xây dựng gặp khó khăn, hiện nay Bộ đang tập trung xử lý bằng cách rà soát lại các khoản nợ, xem khoản nợ nào xử lý được, không xử lý được hoặc cần có thời gian xử lý.

Bộ trưởng cũng đưa ra một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng.

Thứ nhất, tái cấu lại doanh nghiệp xây dựng, trong đó tái cấu trúc lại ngành nghề, chỉ tập trung vào ngành nghề chính, cổ phần hóa các doanh nghiệp.

Thứ hai, quan tâm đến việc sắp xếp lại tổ chức, bố trí nhân sự, tăng cường kiểm soát để các doanh nghiệp hoạt động theo đúng pháp luật, sản xuất kinh doanh hiệu quả.

Về hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà máy xi măng, Bộ trưởng báo cáo, tổng lượng xi măng tồn kho đến nay là 2,9 triệu tấn trong khi đó tổng tiêu thụ là 44 triệu tấn, như vậy, tồn kho bằng khoảng xấp xỉ 16 - 17 ngày sản xuất.

Vì vậy, so với các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng khác (tồn kho gạch nung khoảng 2 tháng sản xuất, gạch ceramic 3 tháng sản xuất), xi măng rất yên tâm và đang sản xuất được 85 - 87% theo công suất thiết kế.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho biết, đúng là có tình trạng doanh nghiệp xi măng gặp khó khăn. Nguyên nhân là do vốn của nhà đầu tư thấp; lãi vay cao dẫn tới chi phí giá thành cao ảnh hưởng đến đầu ra sản phẩm. Sản xuất xi măng cũng không phải là thế mạnh của nhà đầu tư này nên năng lực quản trị của hạn chế.

Bên cạnh đó, các dự án mới đi vào sản xuất nên lỗ kế hoạch không thể tránh khỏi. Khó khăn của nền kinh tế khiến cầu giảm, dẫn tới tiêu thụ xi măng khó.

Về giải pháp, người đứng đầu ngành xây dựng cho hay, hiện đang hoàn thiện đề án cơ cấu ngành theo hướng phân loại các doanh nghiệp, chuyển giao vốn, chuyển giao nguyên trạng nhà máy cho doanh nghiệp khác.

Có kế hoạch thoái vốn để bán cho nhà đầu tư trong nước và ngoài nước có thế mạnh về xi măng. Có lộ trình tăng vốn điều lệ để huy động vốn từ bên ngoài. Đề nghị các tổ chức tín dụng giãn nợ, giảm lãi suất cho vay.

Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung quy định về chuyển vốn cho nước ngoài, quy định về chuyển nhượng vốn thấp hơn giá thị trường để cắt lỗ. Bổ sung quy định chuyển giao doanh nghiệp xi măng nhà nước cho doanh nghiệp nhà nước có lợi thế hơn.

Song, trước câu hỏi của chủ tịch Quốc hội liệu đến năm 2013 có thực hiện được xong việc tái cơ cấu doanh nghiệp xi măng hay không, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng chưa dám hứa. Ông cho rằng, đến năm 2013 tập trung để tái cơ cấu nhưng thực hiện được nó thì đến năm 2015 sẽ cố gắng cổ phần xong doanh nghiệp.

Chưa thỏa mãn với câu trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Ngô Văn Minh cho rằng, việc để cho các nhà đầu tư không có năng lực quản lý, thiếu vốn đầu tư lĩnh vực này có phải là "tay không bắt giặc" không. Ông cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ những khoản vốn mà Bộ phải cấp thêm hoặc trả nợ thay cho những doanh nghiệp này, mà có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Nguồn Khampha


Sự kiện