Ảnh: Qúy Hòa

 
Minh Anh Thứ Năm | 30/07/2020 15:37

Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn tăng 5-7% lợi nhuận

Trước nhiều khó khăn của mùa dịch, lợi nhuận toàn hệ thống Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP) đều tăng từ 5-7% so với cùng kỳ 2019.

Không ảnh hưởng bởi dịch

Ngay từ đầu năm, dịch bệnh COVID-19 liên tục ập đến khiến SNP phải nhanh chóng khởi động chế độ kết nối thông tin online, họp trực tuyến với khách hàng, hãng tàu; triển khai tối đa việc làm thủ tục giao nhận hàng hóa và thanh toán qua mạng, triển khai chữ ký số, đồng bộ với việc áp dụng các gói chính sách hỗ trợ linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng khách hàng, hãng tàu; duy trì ổn định đơn vị, đảm bảo sản xuất thông suốt, an toàn, không gián đoạn.

Sản lượng container xuất nhập khẩu qua các cảng của SNP trong 6 tháng đầu năm chiếm 62% tổng sản lượng container xuất nhập khẩu cả nước, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu, lợi nhuận toàn hệ thống đều tăng từ 5-7% so với cùng kỳ 2019, đạt 47-49% kế hoạch năm 2020.

Trong nhiều năm qua, SNP luôn giữ vị trí top đầu Việt Nam về kinh doanh khai thác cảng container, xếp trong nhóm 20 cụm cảng container có sản lượng lớn nhất thế giới, nằm trong TOP 10 doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.

Ở thời điểm dịch bệnh xảy ra, giữa tháng 3, cảng Tân Cảng - Cát Lái đang tiếp nhận 79 chuyến tàu/tuần (tương ứng khoảng 320 tàu/tháng), trong đó có 49 chuyến tàu kết nối các cảng Trung Quốc (62%) và 23 chuyến tàu có kết nối các cảng Hàn Quốc (29%).

Ảnh: Qúy Hòa
Ảnh: Qúy Hòa

Trung tá Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công Ty Tân Cảng Sài Gòn, cho biết Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong tháng 2.2020, các hãng tàu đã hủy 42 chuyến tàu. Tuy vậy, trong tháng 2, sản lượng hàng hóa thông quan của cảng Tân Cảng - Cát Lái vẫn đạt và tăng 25,9% so với cùng kỳ năm 2019. Dự kiến, trong tháng 3.2020, cảng sẽ tiếp tục hoạt động ổn định. Đáng chú ý, sự khởi động hoạt động sản xuất trở lại của các nhà máy ở Trung Quốc dự báo sẽ góp phần hàng hóa tăng trưởng thông qua cảng Tân Cảng - Cát Lái.

Lý giải về việc hàng hóa thông qua cảng Tân Cảng - Cát Lái vẫn tăng trưởng cao bất chấp dịch COVID-19, đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hoạt động thương mại hình thức tiểu ngạch đường biên phải tạm ngừng, hàng hóa phải đi chính ngạch thông qua vận chuyển bằng tàu container. Các tuyến dịch vụ đường dài xuyên lục địa Á-Âu, Á-Mỹ tại khu vực cảng Cái Mép cũng bị giảm chuyến, hàng hóa đã được hãng tàu điều chỉnh về tuyến trọng yếu là Cát Lái nối với các cảng của Singapore và Maylaysia.

Hiện SNP đang đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét cho sớm được tiếp nhận và đầu tư, quản lý, khai thác Dự án cảng tổng hợp và container Cái Mép Hạ để kết nối liên hoàn với cụm 3 cảng nước sâu của Tân Cảng tại Cái Mép, tạo thành cụm cảng trung chuyển có tầm vóc trong khu vực, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối trực tiếp với kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ và quan trọng hơn dự án đóng vai trò bảo đảm an ninh cảng biển, an ninh quốc phòng trên biển Đông và khu vực.

Chiến lược phát triển 3 ngành nghề chính

Trong buổi làm việc với SNP, trưởng ban Kinh tế Trung ương (KTTW) Nguyễn Văn Bình yêu cầu Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cần tập trung vào 3 lĩnh vực trọng tâm là cảng biển, logistic và vận tải biển, là các lĩnh vực đã góp phần tạo nên thành công của tổng công ty trong suốt thời gian qua.

Theo Đại tá Ngô Minh Thuấn, Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, doanh nghiệp có định hướng chiến lược phát triển kinh doanh trên 3 ngành nghề chính (khai thác cảng, dịch vụ logistics, vận tải và các ngành kinh tế biển) và đều có tốc độ tăng trưởng cao qua các năm.

Cụ thể, ở cả 3 ngành nghề này, SNP đều có thị phần lớn, đặc biệt ở lĩnh vực khai thác cảng, dịch vụ logistics, SNP đều đứng trong top 20 các cụm cảng, doanh nghiệp lớn của Việt Nam. Các Công ty trong Tập đoàn luôn duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Nhiều công ty thành viên có quy mô khá lớn. Trong năm 2019, 1 công ty đạt doanh thu trên 2.000 tỉ đồng, 1 công ty đạt doanh thu trên 1.000 tỉ đồng, 8 công ty đạt doanh thu trên 500 tỉ đồng đến dưới 1.000 tỉ đồng.

 

Nói về định hướng phát triển SNP đến năm 2025, Tổng Giám đốc Ngô Minh Thuấn, cho biết với tầm nhìn: “Trở thành tập đoàn kinh tế, quốc phòng hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế biển và dịch vụ logistics gắn với xây dựng và phát triển khu kinh tế, quốc phòng Trường Sa”, nên trong năm 2020, đơn vị sẽ đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng đầu tư, kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững trên 3 trụ cột kinh doanh (khai thác cảng; dịch vụ logistics; vận tải và các ngành kinh tế biển) gắn với nhiệm vụ quân sự quốc phòng.

Trong các năm tiếp theo, SNP sẽ tập trung xây dựng hệ sinh thái số eSNP, là một hệ thống điện tử trung gian giúp kết nối các hệ thống của các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực cảng biển nhằm đơn giản hóa, chuẩn hóa và tăng tốc trao đổi thông tin giữa các bên, tăng hiệu quả tương tác với các cơ quan chính phủ như hải quan, hàng hải và cảng vụ.

Bên cạnh đó, SNP sẽ từng bước tự động hóa dây chuyền sản xuất cảng Tân Cảng Cát Lái cũng như xây dựng hệ thống báo cáo thông minh ứng dụng Big Data nhằm hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định kinh doanh cũng như hoạch định các chính sách khách hàng, hợp đồng kinh tế nhanh chóng và hiệu quả.