Hải Vân Thứ Bảy | 08/09/2018 11:13

Tổng công suất điện Mặt trời được phê duyệt đã sát nút 1000 MW

Tốc độ đầu tư vào hai nguồn điện Mặt trời và gió tăng nhanh bởi 3 yếu tố: Tiềm năng, nhu cầu và cơ chế.

Ông Nguyễn Minh Quang, Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia, Bộ Công thương, tại Hội thảo: Tích hợp nguồn điện năng lượng tái tạo: thách thức và công nghệ, hôm 7.9, cho biết Tổng công suất điện Mặt trời được phê duyệt đã sát nút 1000 MW, gần bằng mục tiêu đề ra cho năm 2020.

Đến thời điểm này, tổng công suất điện Mặt trời được phê duyệt đã lên đến gần 1.000 MW tương đương mức mục tiêu đề ra cho năm 2020, trong khi chỉ 200 MW điện gió được phê duyệt.

Người của Trung tâm Điều độ hệ thống Điện quốc gia cho rằng số lượng dự án phát triển các nguồn năng lượng tái tạo tăng nhanh, tập trung chủ yếu ở khu vực Nam Trung bộ.

“Tốc độ đầu tư vào hai nguồn điện gió và Mặt trời tăng nhanh bởi 3 yếu tố: Tiềm năng, nhu cầu và cơ chế”, ông Quang nhận xét.

Tong cong suat dien Mat troi duoc phe duyet da sat nut 1000 MW
 

Điều này, đẩy nhu cầu phụ tải lên mức cao hơn và năng lượng tái tạo được xem là nguồn quan trọng để đáp ứng đủ nhu cầu phụ tải của quốc gia trong tương lai, khi các nguồn thủy điện, hóa thạch đã gần cạn kiệt.

Theo Tổng sơ đồ 7 điều chỉnh, Việt Nam tiếp tục có mức tăng trưởng cao so với các nước đang phát triển, giai đoạn 2021-2025 tốc độ tăng trưởng khoảng 8,5-8,7% và đến 2026-2030 tăng trưởng ở mức 8,3%.

Quy hoạch này yêu cầu đến năm 2020, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 9,9% tổng công suất nguồn điện, tăng 4,3% so với yêu cầu của Quy hoạch Điện VII.

Theo đó, công suất nguồn điện Mặt trời sẽ lên khoảng 850 MW vào năm 2020 và 12.000 MW vào năm 2030, trong khi điện gió đến năm 2020 là 800 MW và 2030 là 6.000 MW.

Cùng việc đưa ra mục tiêu này, Chính phủ cũng quy định giá mua điện gió là 7,8 cent/kWh và điện mặt trời là 9,35 Uscents/kWh.

Về mức công suất điện mặt gió được phê duyệt thấp, ông Quang nói là do giá mua điện gió “chưa hấp dẫn”. Mức 7,8cent/kWh đã khiến điện gió có số dự án được phê duyệt không cao, số dự án đăng ký thấp và các dự án triển khai chậm.

Dù vậy, số lượng công suất điện gió và điện mặt trời đã được phê duyệt bởi hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đều ở mức cao, với Ninh Thuận là 2036 MW và Bình Thuận là 1462 MW.

Để tăng đầu tư vào điện gió, Bộ Công thương đã kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá mua điện gió, tăng lên mức 8,77 UScent/kWh cho dự án đầu tư trên bờ và 9,95 UScent/kWh cho các dự án đầu tư trên biển.