Tổng bí thư: 'Tái lập Ban Kinh tế Trung ương là đúng đắn'
Ngày 11/1, làm việc với Ban Kinh tế Trung ương, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc tái lập ban này là chủ trương đúng đắn và cần thiết bởi Đảng lãnh đạo toàn diện các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, nhưng trong đó kinh tế là trung tâm, đóng vai trò nền tảng, đi đầu.
"Ban Kinh tế Trung ương được tái lập nhằm thực hiện chức năng tham mưu, nghiên cứu đề xuất, thẩm định, kiểm tra giám sát những vấn đề lớn, mang tầm chiến lược về kinh tế, xã hội", Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói.
Kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều vấn đề mới đặt ra, trong khi chúng ta còn thiếu kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý nên nhiều việc phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Thực tế cho thấy, rất cần có một cơ quan giúp Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong việc đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn về kinh tế, xã hội. Đồng thời, kiểm tra giám sát việc thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng trong thực tế cuộc sống.
"Ban Kinh tế Trung ương được tái lập nhằm thực hiện chức năng tham mưu, nghiên cứu đề xuất, thẩm định, kiểm tra giám sát những vấn đề lớn, mang tầm chiến lược về kinh tế, xã hội", Tổng bí thư nói.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN. |
Đánh giá cao kết quả công tác của Ban Kinh tế Trung ương năm qua,Tổng bí thư nhấn mạnh, Ban cần hiểu rõ sứ mệnh, vai trò của bộ phận cấu thành bộ não Trung ương về kinh tế, xã hội,tập trung thực hiện thật tốt 3 nhiệm vụ lớn là nghiên cứu, đề xuất, thẩm định các đề án, báo cáo, tờ trình và kiểm tra giám sát...
Lãnh đạo Đảng lưu ý, đây là năm thứ 4 thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, tập trung chuẩn bị Đại hội XII của Đảng, nhiệm vụ hết sức quan trọng là tổng kết 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Ban Kinh tế Trung ương phải tham gia công tác này. Ban cũng phảibám sát chương trình, kế hoạch công tác, làm tốt nhiệm vụ thẩm định các đề án trình Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong năm 2014, đảm bảo tiến độ và nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm định.
Tổng Bí thư chỉ rõ hoạt động kiểm tra giám sát của Ban Kinh tế Trung ương không phải là kiểm tra đôn đốc thực hiện, mà là kiểm tra giám sát việc thể chế hóa, cụ thể hóa các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, bảo đảm thực hiện đúng các chủ trương, Nghị quyết của Đảng trong thực tế cuộc sống.
Tổng bí thư cho rằng Ban Kinh tế Trung ương là đầu mối thu hút, tổng hợp, chưng cất chất xám, trí tuệ, kết quả nghiên cứu của các cơ quan, đơn vị khác về các vấn đề kinh tế - xã hội... để cung cấp những thông tin có chất lượng cao nhất cho Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Muốn vậy, Ban cần chủ trì phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu...Mỗi cán bộ vừa là nhà khoa học, vừa là cán bộ chính trị, chuyên gia hàng đầu có phẩm chất chính trị vững vàng, tầm nhìn xa rộng...
Ông Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, năm 2013 đã triển khai toàn diện các nhiệm vụ chính trị được giao, đồng thời thực hiện 12 nhiệm vụ nghiên cứu, trong đó có đề án "Đánh giá, thực hiện chính sách an sinh xã hội và giải pháp”,hoàn thành 100% yêu cầu 15 đề án trình Hội nghị Trung ương 7, 8 và trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Đề án này không chỉ thể hiện kết quả nghiên cứu của Ban, mà còn quy tụ được trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, cộng tác viên, các nhà khoa học, tham khảo bài học kinh nghiệm quốc tế, bước đầu đáp ứng được yêu cầu về chất lượng tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Theo TTXVN