Thứ Tư | 15/05/2013 16:17

Tồn tại hai mặt bằng lãi suất trong vay vốn ngân hàng

Với những khoản vay mới, các doanh nghiệp có thể tiếp cận lãi suất từ 10-13%/năm. Tuy nhiên, những khoản vay cũ trên 6 tháng lại đang phải chịu lãi suất 13-16%/năm.
Theo VTV, tại ngân hàng, với hợp đồng vay vốn ngắn hạn vừa mới ký, lãi suất mà doanh nghiệp phải trả chỉ là 10%/năm. Trong khi hợp đồng ký cách đây gần 3 tháng, lãi suất hiện phải trả là 12%/năm. Còn với những hợp đồng vay vốn dài hạn, ký kết cách đây khoảng hơn 1 năm thì lãi suất nhiều doanh nghiệp đang phải trả thậm chí lên tới 17-20%/năm.

Các doanh nghiệp bức xúc, nhưng các ngân hàng lại có cách giải thích của mình về việc phải duy trì 2 mặt bằng lãi suất cho vay chênh nhau từ 2-7%/năm như hiện nay.

Ông Nguyễn Trí Hiếu, thành viên HĐQT Ngân hàng Đại Dương cho biết: "Nguồn vốn và việc sử dụng vốn phải khớp với nhau. Nếu trước chúng tôi huy động vốn từ 14-15% và nguồn đó kéo dài đến ngày hôm nay, thì không thể bất ngờ cắt lãi suất cho vay xuống được".

Trong bối cảnh lãi suất huy động nhiều ngân hàng đã xuống dưới 7,5%/năm thì một câu hỏi được các doanh nghiệp và người dân vay vốn đặt ra vào lúc này là, đến bao giờ sẽ xóa bỏ được tình trạng hai mặt bằng lãi suất cho vay. Do quy mô các ngân hàng lớn nhỏ khác nhau nên dự báo thời gian sẽ về một mặt bằng lãi suất cũng khác nhau.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Tổng Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam cho rằng: "Theo tôi nghĩ với điều kiện mặt bằng tỷ giá và mặt bằng giá như hiện nay thì 2-3 tháng nữa mặt bằng lãi suất về ngang nhau".

Trong khi đó, ông Hiếu nhận định: "Cuối năm nay nguồn vốn trung hòa nội bộ của ngân hàng sẽ giảm xuống, từ đó mặt bằng lãi suất sẽ được điều chỉnh hạ xuống một mức thấp để cho vay ở mức thấp hơn bây giờ".

Tuy nhiên các ngân hàng cũng cho rằng, thời gian về một mặt bằng lãi suất có thể rút ngắn được hơn nếu có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ và NHNN.

Theo ông Hiếu: "Nguồn trước kia chúng tôi tài trợ 15-17% cũng có thể được tái tài trợ bằng những nguồn của Chính phủ, của Ngân hàng Trung ương với lãi suất hạ 7-8%. Nếu được tái tài trợ thì đầu vào được giải quyết và chúng tôi sẵn sàng điều chỉnh lãi suất cho vay xuống mức thấp hơn".

Theo thống kê của NHNN, hiện vẫn còn tới trên 14% trong số các khoản vay cũ của các doanh nghiệp và người dân đang phải chịu lãi suất trên 15%/năm.

Cuối tuần qua NHNN đã kêu gọi các ngân hàng thương mại sớm đưa các khoản vay này xuống 13%/năm. Tuy nhiên, hiện mới có 4 ngân hàng lớn là Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank hưởng ứng, còn các ngân hàng thương mại cổ phần khác vẫn chưa thấy đưa ra một cam kết cụ thể nào.

Nguồn VTV


Sự kiện