Thứ Tư | 12/12/2012 15:51

Tồn kho không lớn như lo ngại

66% doanh nghiệp trong khảo sát của NCEIF đánh giá hàng tồn kho thành phẩm là bình thường; trong khi nợ đọng xây dựng đang cản trở sản xuất.
Theo nhiều chuyên gia, vấn đề nằm ở chỗ, tồn kho không trải đều trong toàn bộ nền kinh tế mà tập trung ở một số ngành tiêu thụ sản phẩm chậm trong giai đoạn vừa qua. Doanh nghiệp có ý kiến rằng tồn kho sản phẩm không đáng ngại mà lo hơn là nợ đọng và nợ xấu.

Tồn kho không như quan ngại

Các báo cáo từ phía cơ quan Chính phủ luôn đề cập tới quan ngại hàng tồn kho. Phía Tổng cục Thống kê có lần cảnh báo rằng, trong một nền kinh tế phát triển bình thường, chỉ số tồn kho nên tăng ở mức 15 - 17% là hợp lý.

Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với cùng kỳ trong khoảng hơn 1 năm qua luôn vượt mức 15 - 17%. Tại thời điểm 1/11/2012, con số này là 20,9%, cao hơn so với mức được công bố cách đó 1 tháng.

Tuy nhiên, TS. Lương Văn Khôi - Trưởng ban Kinh tế thế giới - Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCEIF) cho biết “Tồn kho trong ngành sản xuất khó có khả năng tăng lớn” . Theo ông, nếu nhìn vào tình hình xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh trong năm 2012, nhập khẩu giảm và tín dụng vào sản xuất tăng thấp thì khả năng tồn kho tăng lớn là khó xảy ra.

Quan điểm của ông được ủng hộ từ phía các doanh nghiệp. Một khảo sát của NCEIF mới hoàn thành cách đây không lâu, được thực hiện với hơn 900 doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế trọng điểm như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Bắc Giang cho thấy, có tới 66,4% số ý kiến cho rằng tồn kho thành phẩm xét theo khối lượng là bình thường; chỉ có 15,1% cho rằng trên mức bình thường; nhưng có 9,1% đánh giá dưới mức bình thường.
Đánh giá về hàng tồn kho của doanh nghiệp

Nguồn: TBKTSG
Nguồn: TBNH

Lo ngại chính sách chệch hướng

Theo nhiều chuyên gia, vấn đề nằm ở chỗ, tồn kho không trải đều trong toàn bộ nền kinh tế mà tập trung ở một số ngành tiêu thụ sản phẩm khó khăn trong giai đoạn vừa qua. “Tồn kho vẫn rất nặng trong lĩnh vực bất động sản và gắn với bất động sản như vật liệu xây dựng chẳng hạn”, TS. Võ Trí Thành - Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nêu quan điểm.

Với những doanh nghiệp này, theo ông Trần Anh Vương - Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, tồn kho cao gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Thứ nhất, trị giá tài sản giảm xuống do đơn giá giảm. Thứ hai, nợ vay tăng lên do hàng tháng vẫn phải trả lãi vay cho tồn kho. Thứ ba, doanh thu không có vì không thể bán được do cầu yếu. Kết quả là khó khăn chồng chất khó khăn.

Tuy nhiên còn một thực tế khác là những doanh nghiệp không có hàng tồn kho hoặc tồn kho thấp thì sao? Theo ông Trần Anh Vương, doanh nghiệp dù tồn kho thấp nhưng công nợ phải thu lớn vì hàng hóa đã bán cho các doanh nghiệp, chủ đầu tư khác và chưa thu hồi được nợ.

Đồng tình quan điểm trên, TS. Võ Trí Thành thông tin thêm nợ đọng 90 nghìn tỷ đồng nợ đọng xây dựng cơ bản, đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bình luận về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng: “Chúng ta vẫn đưa thông tin tồn kho nhiều nhưng không nói rõ tồn ở đâu. Như vậy, giải pháp dễ bị lệch hướng”.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Sự kiện