Tồn kho đường tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước
So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng 444.000 tấn, lượng đường sản xuất tăng 26.500 tấn.
Giá bán đường trắng loại I đã có thuế VAT tại kho nhà máy trên cả nước tiếp tục sụt giảm, phổ biến từ 15.000 đến 15.200 đồng/kg. Tại một số tỉnh như Ninh Hòa, Quảng Ngãi giá đường đã giảm xuống dưới 15.000 đồng/kg.
Giá mía 10 CCS tại ruộng nhìn chung giảm. Giá tại Tây Ninh ở mức 1.100 đồng/kg, ở Hậu Giang giảm từ 1.000 đồng/kg xuống còn 940 đồng/kg so với tháng trước.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết, lượng đường tồn tại kho các nhà máy là 110.400 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 53.800 tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra đến 15/10 là 47.660 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 25.840 tấn.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, sản lượng mía đường niên vụ 2012 - 2013 ước khoảng trên 1,5 triệu tấn. Trong đó, lượng đường tinh luyện sản xuất của 9 nhà máy đường trên cả nước ước đạt 732.000 tấn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đưa ra dự báo nhu cầu tiêu thụ đường trong nước năm nay ở mức 1,35 - 1,4 triệu tấn. Như vậy, lượng đường trong nước năm nay có thể dư thừa khoảng 200.000 tấn.
Tiêu thụ chậm lại, tồn kho tăng lên tuy nhiên, sau khi nhiều doanh nghiệp sử dụng đường kiến nghị xin nhập khẩu đường, từ đầu tháng 9 vừa qua, Bộ Công Thương cho phép nhập 70.000 tấn đường, mà theo lý giải của lãnh đạo bộ là do chúng ta phải thực hiện theo cam kết với WTO.
Cũng liên quan đến vấn đề này, các doanh nghiệp sử dụng đường cho rằng, chất lượng đường của các nhà máy đường trong nước phần lớn chưa đạt tiêu chuẩn để sản xuất thực phẩm, nước giải khát, sữa… Hơn nữa, giá đường trong nước vừa cao, vừa không ổn định so với các loại đường nhập khẩu.