Tốn hàng tỷ USD ngoại tệ để nhập khẩu thép
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, năm 2012 ngành thép đã xuất khẩu được hơn 2 triệu tấn với doanh thu gần 2 tỷ USD, nhưng lại mất tới gần 7 tỷ USD để nhập về hơn 10 triệu tấn thép các loại. Như vậy, ngành thép vẫn nhập siêu tới 5 tỷ USD.
Điều đáng nói, ngoài việc nhập khẩu thép phế, phôi thép là nguyên liệu bắt buộc cho sản xuất thép thì vẫn còn tình trạng nhập khẩu thép xây dựng, tôn mạ, thép cán nguội là những sản phẩm trong nước đang dư thừa.
Theo dự báo, nhập siêu trong ngành thép sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa do nhu cầu thép đa dạng để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tăng, trong khi sản xuất trong nước mới đang ở giai đoạn đầu, chủ yếu là sản xuất thép xây dựng và chỉ tập trung cho các công đoạn sản xuất ở hạ nguồn (nhập phôi để cán sản phẩm) mà bỏ qua khâu thượng nguồn (luyện phôi), khiến cho phôi thép thiếu luôn phải nhập khẩu với số lượng lớn.
Do đó, nguyên liệu và sản phẩm thép nhập khẩu về Việt Nam vẫn tăng mạnh trong thời gian tới. Ngành thép trở thành ngành kinh tế tiêu tốn lượng ngoại tệ lớn, tỷ lệ nhập siêu cao.
Hiện nay, nhiều sản phẩm thép trong nước sản xuất có công suất cao hơn so với nhu cầu nhiều lần nhưng vẫn không cạnh tranh được với thép nhập khẩu. Trong khi chỉ vài năm tới, chính sách bảo hộ chấm dứt đối với sản xuất thép, cuộc cạnh tranh sẽ vô cùng khốc liệt.
Hàng loạt giải pháp giảm nhập siêu thép
Theo lộ trình cam kết WTO và AFTA, Việt Nam sẽ phải xóa bỏ hàng rào thuế quan đối với nhiều mặt hàng, trong đó có thép. Như vậy, thị trường thép trong nước sẽ đón nhận luồng hàng nhập khẩu với giá thành thấp, chất lượng cao từ nước ngoài và nhập siêu khó giảm, thậm chí có thể tăng do sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước quá yếu.
Để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thép trong nước phát triển, giảm nhập siêu, VSA cho rằng, cần tiến hành thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Theo đó, Bộ Công thương cần hạn chế nhập khẩu các sản phẩm thép trong nước đã có công suất dư thừa, đảm bảo đủ cung ứng cho nhu cầu trong nước như thép xây dựng, tôn mạ, thép cán nguội, ống thép hàn.
Bản thân doanh nghiệp cần tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng các biện pháp kinh tế, kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại để tăng khả năng xuất khẩu sản phẩm.
Đồng thời, cần đẩy mạnh việc nhập khẩu thép phế liệu để tăng cường sản xuất phôi trong nước, qua đó giúp ngành thép dần tự chủ được nguyên liệu chính cho sản xuất, đáp ứng phần lớn nhu cầu trong nước đồng thời góp phần tăng giá trị gia tăng của sản phẩm và hạn chế nhập siêu.
Việc Nhà nước cho phép sử dụng nhiều loại ngoại tệ thay thế đồng USD trong thanh toán nhập khẩu cũng là một biện pháp có thể giúp doanh nghiệp linh hoạt và chủ động hơn trong nhập khẩu nguyên liệu sản xuất.
Ngân hàng Nhà nước cân đối nguồn ngoại tệ và tín dụng nhập khẩu các nguyên liệu cho sản xuất thượng nguồn mà trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu như: thép phế, gang luyện thép, than mỡ, than cốc,... để bảo đảm đủ nguyên liệu cho sản xuất thép, phục vụ nhu cầu thép trong nước, cũng như nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng cho xuất khẩu.
Bên cạnh đó, cần hạn chế cấp tín dụng, ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu các sản phẩm mà sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu và đang dư thừa như thép xây dựng, thép cán nguội, thép ống, thép mạ.
Để hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu sản phẩm thép, nhất là đối với các sản phẩm thép trong nước đã sản xuất đủ nhu cầu, VSA đề nghị áp dụng giấy phép nhập khẩu tự động đồng thời kiểm soát C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) phù hợp với hàm lượng để xác định xuất xứ.
Một trong những biện pháp tự vệ của các nước khi gia nhập WTO là sử dụng hàng rào kỹ thuật. Nhà nước cần yêu cầu các đơn vị sản xuất trong nước phải tiến hành in logo của mình lên sản phẩm thép cuộn, thép thanh, thép hình và yêu cầu các sản phẩm nhập khẩu phải có logo của nhà sản xuất.
Cùng với đó, hạn chế nhập khẩu thép cán nguội khổ hẹp hoặc hàng loại 2 kém phẩm chất; nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy chuẩn quốc gia đối với sản phẩm thép cho sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm thép nhập khẩu.
Đề nghị cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát khi làm thủ tục thông quan đối với sản phẩm thép xây dựng nhập khẩu như: yêu cầu xuất trình hợp chuẩn chất lượng hàng hóa trước khi cho thông quan.
Việc giám sát và cấp phép các dự án đầu tư mới theo quy hoạch cần chặt chẽ, nhất là việc cấp phép mới các dự án đầu tư theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời xây dựng các tiêu chí kỹ thuật về vệ sinh môi trường như: các tiêu chí về tiêu hao năng lượng, bảo vệ môi trường, quy mô đầu tư công nghệ thiết bị cho dự án mới.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm ban hành Quy chế quản lý phế liệu nhập khẩu tạo thuận lợi cho các đơn vị nhập khẩu thép phế về cho sản xuất thép trong nước. Coi phế liệu là nguồn nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thép của Việt Nam để có những quy định phù hợp vừa bảo vệ môi trường nhưng cũng không cản trở sản xuất thép.
Nguồn Vneconomy