Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Tôm Việt “được mùa” trên đất Mỹ
Mỹ là thị trường duy nhất tăng trưởng dương
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam ước đạt 2 tỉ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2019.
Đáng chú ý, 6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt tới 323,3 triệu USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương liên tục trong 6 tháng đầu năm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ chủ yếu phục vụ kênh bán lẻ, thương mại điện tử và giao hàng tại nhà. Vì vậy, doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng như tôm dễ bóc vỏ EZ... để phù hợp nhu cầu thị trường của phân khúc này.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến hết tháng 7, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam ước đạt 2 tỉ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Thanhnien. |
Bên cạnh đó, ít nhất 17 nguồn cung xuất khẩu tôm cho Mỹ như: Nicaragua, Bangladesh, Saudi Arabia, Srilanka, Na Uy... đã giảm trong tháng 5.2020 so với tháng 5.2019. Do vậy, nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam sẽ không giảm để bù đắp cho nguồn cung giảm từ các nguồn kể trên.
Riêng Thái Lan và Trung Quốc vẫn tiếp tục xu hướng giảm xuất khẩu sang Mỹ kể từ năm 2019. Nguyên nhân là do Thái Lan vi phạm về vệ sinh, uy tín trong khi giá tôm cao, còn tôm Trung Quốc xuất sang Mỹ đang bị áp thuế cao do hậu quả của chiến tranh thương mại.
Theo VASEP dự báo, quý III/2020, tăng trưởng xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ không cao bằng quý II/2020. Bởi, Ấn Độ và Ecuador chuyển hướng tăng xuất khẩu sang Mỹ vì gặp khó ở Trung Quốc (chậm thông quan và gặp vấn đề trong vệ sinh...). Tuy nhiên, với lợi thế về thuế chống bán phá giá thấp, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ cả năm 2020 dự báo tăng khoảng 20% so với năm 2019.
Lợi thế mới từ các thị trường khác
Tại thị trường châu Âu (EU), hàng loạt mặt hàng tôm xuất khẩu của nước ta được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% khi Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực; tôm nước lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm...
Đây là lợi thế cạnh tranh lớn cho con tôm Việt Nam tại thị trường EU khi đối thủ Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%; Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2%; và Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%.
Tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu tôm Việt Nam sang nước này tháng 6 đạt 57,7 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn cung tôm lớn cho Trung Quốc đều đang gặp khó khăn. Mới đây, Trung Quốc đình chỉ nhập tôm từ 3 công ty của Ecuador với lý do phát hiện virus Corona trên bao bì sản phẩm. Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Trung Quốc cũng gặp khó do một số lô hàng bị trì hoãn thông quan tại các cảng Trung Quốc với lý do giám sát COVID-19.
Trong nhận định của VASEP hồi tháng 6, giá tôm Việt Nam có xu hướng tăng vào những tháng tiếp theo. Hiện tồn kho tại các thị trường chính như Nhật, Mỹ và EU không cao như những tháng trước đó. Do vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, dịch bệnh khiến hoạt động ăn uống của người dân thế giới giảm mạnh. Riêng con tôm, do có nhiều sản phẩm chế biến và bán nhiều ở siêu thị tại các thị trường nên không bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, các nước xuất khẩu mặt hàng tôm (cạnh tranh với Việt Nam) như Indonesia, Thái Lan, Ecuardo, Ấn Độ... cũng bị tác động từ đại dịch khiến hoạt động đánh bắt và xuất khẩu bị hạn chế, trong khi chúng ta lại kiểm soát rất tốt dịch bệnh từ đầu năm nên hoạt động sản xuất vẫn duy trì. Cũng theo ông Hòe, kim ngạch xuất khẩu tôm có khả năng sẽ đạt mức 3,8 tỉ USD.
Có thể bạn quan tâm: