Thứ Tư | 25/04/2012 07:58

Tôm tiếp tục chết hàng loạt tại các tỉnh ĐBSCL

Tôm nuôi ở các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng và Bến Tre đang chết hàng loạt vì mắc nhiều dịch bệnh như đốm trắng, hoại gan, tụy...
Tôm nuôi của gần 3.400 hộ nuôi tôm ở tỉnh Trà Vinh đang mắc nhiều dịch bệnh, làm hơn 300 triệu con tôm giống chết. Điều đáng nói là tôm chết đều ở những vùng nuôi theo hình thức công nghiệp và bán công nghiệp, giai đoạn từ 15 - 45 ngày tuổi. Trong đó, huyện Cầu Ngang là địa phương bị thiệt hại nặng nhất, tập trung ở các xã Mỹ Long Nam, Hiệp Mỹ Tây, Hiệp Mỹ Đông, Thạnh Hòa Sơn…

Ông Dương Tấn Đởm, quyền Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, cho biết huyện này có 5.780 hộ thả nuôi 628.437.000 con tôm giống trên diện tích 3.978 ha. Hiện nay, tình trạng tôm chết vì dịch bệnh đang được các nhà chuyên môn và chính quyền địa phương nghiên cứu nhưng nguyên nhân một phần do bà con thả nuôi trước lịch thời vụ quá sớm để bán được giá.

Ấp Tư là một trong những khu vực bị thiệt hại nặng nhất ở xã Mỹ Long Nam, với mức độ 90% và hầu hết tôm chết có liên quan đến bệnh gây hoại tử gan, tụy.

Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Bến Tre, tổng diện tích thả giống tôm biển đạt 1.605 ha, trong đó tôm sú 876 ha, tôm chân trắng 729 ha. Tuy nhiên, đã xuất hiện tình trạng tôm chết trên nhiều địa phương với diện tích thiệt hại là 259 ha, chiếm hơn 16% diện tích thả nuôi. Tôm chết vào khoảng 15 - 45 ngày tuổi, chủ yếu do bệnh đốm trắng, hoại tử gan, tụy.

Các xã bị thiệt hại nhiều nhất là Tân Xuân, Bảo Thạnh, Bảo Thuận huyện Ba Tri, Phú Long, Bình Thắng, Bình Thới, Thạnh Phước, Thạnh Trị và thị trấn Bình Đại huyện Bình Đại.

Ở tỉnh Sóc Trăng, tuy tình hình dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát nhưng vẫn có một số khu vực, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại cục bộ lên đến 40% - 50% như các xã Hòa Đông, Trung Bình, Liêu Tú… của huyện Trần Đề.

Nguồn NLĐ


Sự kiện