Cá tra có thể củng được hưởng mức thuế 0% vào 20.4 này. Nguồn ảnh: NaviCorp
Tôm thoát thuế chống bán phá giá, cá tra thì sao?
Bộ Thương mại Mỹ kết luận rằng, các sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh của 2 bị đơn bắt buộc là Công ty Sao Ta (Fimex VN) và Công ty Hải sản Nha Trang (Nha Trang Seaproduct Company) không bị bán phá giá vào Mỹ trong giai đoạn từ 1.2.2017 đến ngày 31.1.2018.
Vì vậy, DOC thông báo thuế sơ bộ đối với 2 công ty bị đơn bắt buộc là 0%, 29 công ty khác của Việt Nam có nộp đơn xin xác định mức thuế suất khác biệt hoặc cam kết không có lô hàng nào xuất vào Mỹ trong khoảng thời gian nêu trên cũng được hưởng mức thuế 0%. Vì vậy, các doanh nghiệp cá tra cũng đang nhấp nhổm chờ và kỳ vọng kết quả thuế của cá tra.
Cá tra có cơ hội về 0%
Nếu không có gì thay đổi, thì sáng ngày 10.4.2019, Bộ Thương mại Mỹ sẽ có tuyên bố chính thức về mức thuế Chống bán phá giá lần thứ 14 (PO14). Kết quả đó sẽ quyết định cơ hội xuất khẩu cho từng doanh nghiệp cá tra trong năm nay.
Thông thường, thuế CBPG sẽ được phía Mỹ công bố làm 2 đợt. Đợt sơ bộ đầu tiên thường vào quý III, và sau đó là kết quả chính thức vào đầu năm tiếp sau đó. Vì vậy, kết quả trong 2 đợt xem xét thường có sự thay đổi. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi kết quả kinh doanh hoặc thay đổi chiến lược sau khi có kết quả cuối cùng.
Trước đó, trong đợt xem xét sơ bộ thuế CBPG cá tra PO14 được phía Mỹ đưa ra cho hai bị đơn bắt buộc là 0,00 USD/kg và 1,37 USD/kg; thuế suất cho các bị đơn tự nguyện là 0,41 USD/kg; thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg. Mức thuế sơ bộ này được cho là thấp hơn nhiều so với mức thuế trước đó là PO13.
Vì vậy, các công ty cá tra có sản lượng xuất khẩu vào thị trường Mỹ như Biển Đông, Hùng Vương, Cadovimex, Hoàng Long, Gò Đàng…đều đang kỳ vọng vào kết quả cuối cùng trong đợt xem xét PO14 được công bố vào 20.9 này. Trong đó, thuế PO14 là một mấu chốt để Hùng Vương định hình lại kế hoạch phát triển lâu dài cho công ty.
Theo ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hùng Vương, Công ty đã chi gần 2 triệu USD cho mọi chi phí trong đợt POR14 lần này và “nín thở” chờ kết quả được công bố vào sáng thứ Bảy (ngày 20.4.2019). Kết quả này cũng sẽ quyết định “số phận Hùng Vương” trong thời gian tới ra sao.
Nếu mức thuế Bộ Thương mại Mỹ đưa ra thấp thì đây là cơ hội cho các doanh nghiệp cá tra tăng sản lượng xuất khẩu vào Mỹ. Đây là thị trường chính trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong vài năm trở lại đây.
Thuế CBPG quyết định tình hình kinh doanh của doanh nghiệp
Năm ngoái, trong đợt xem xét mức thuế Chống bán phá gía PO13, ngoại trừ Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn được hưởng mức thuế xuất khẩu vào Mỹ 0 đồng và Công ty Cổ phần Thủy sản Biển Đông là 19 xu Mỹ/kg thì các doanh nghiệp khác phải chịu mức thuế rất cao.
Đặc biệt, có 9 doanh nghiệp phải chịu thuế chống bán phá giá vào Mỹ với mức từ 3,87 USD/kg trở lên. Đây là mức thuế được cho là cao nhất từ trước đến nay đối với cá tra. Cụ thể, Cadovimex II Seafoods và Hoang Long Seafoods lên tới 7,74 USD/kg. Đây là mức thuế chống bán phá giá cao nhất từ trước đến nay cho Việt Nam.
Trong đó, năm 2018, Công ty Cổ phần Gò Đàng là bị đơn bắt buộc trong PO13 với thuế lên đến 3,87 USD/kg nên công ty này đã phải ngưng xuất khẩu vào Mỹ chuyển hướng sang thị trường thuận lợi hơn như châu Âu và Trung Quốc. Lý do Gò Đàng đưa ra, với mức thuế gần 4 USD/kg mà công ty phải chịu bằng giá xuất khẩu cá tra sang Mỹ, còn với mức thuế cao gần 8 USD/kg thì cao gấp đôi giá xuất khẩu.
Mức thuế quá cao sẽ khiến các doanh nghiệp khó đưa sản phẩm vào thị trường Mỹ. Vì vậy, với lợi thế mà tôm Việt vừa được hưởng thì cá tra có thể hy vọng vào một kết quả tốt trong ngày 20.4 này?