Thứ Tư | 02/10/2013 12:29

Tôm được giá nhưng diện tích thả nuôi giảm mạnh

Vụ nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL năm nay thoát được dịch bệnh kéo dài hai năm, được mùa, được giá nhưng nhiều cánh đồng tôm vẫn vắng lặng.
Cánh đồng nuôi tôm ở huyện Trần Đề, một trong ba vùng nuôi tôm trọng điểm của Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, cũng là vùng nuôi tôm công nghiệp lớn của tỉnh Sóc Trăng. Bạt ngàn ao hút tầm mắt, rộng ra mép biển và trải dài hơn chục cây số xuống tới huyện Vĩnh Châu. Giữa vụ thu hoạch tôm nhưng vắng sự sôi động quen thuộc. Trong cái yên ắng của vùng tôm nổi tiếng, chỉ rải rác đôi cảnh kéo lưới thu hoạch tôm, thi thoảng mới bắt gặp chiếc quạt quay tít trong ao.

Vụ tôm năm nay chỉ có 7 hộ thả nuôi diện tích 20 ha, còn lại “treo ao”, và 40 lao động chính đã phải đi làm thuê ở các khu công nghiệp tận Bình Dương.

Thư ký Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, ông Nguyễn Minh Tùng cho biết, năm nay bệnh tôm chết sớm được kiểm soát nên ít rủi ro, những hội viên thả nuôi có đến 80- 90% thành công, nhờ năng suất trung bình 5 tấn/ha (tôm thẻ chân trắng) giá bán gần gấp đôi nên lợi nhuận tối thiểu đạt 50% doanh thu. Những hộ nuôi thâm canh, thả mật độ dày, năng suất đạt 10 tấn/ha, lợi nhuận còn cao hơn. Với lợi nhuận vụ tôm năm nay, hội viên thả nuôi có thể bù được 30% thiệt hại của năm 2012.

“Thế nhưng, Hiệp hội có hơn 2.000 ha thì chỉ thả nuôi được 1.000 ha, còn lại phải “treo ao” vì thiếu vốn”, ông Tùng nói. Cũng theo ông Tùng do hai năm trước, nhiều hội viên vay vốn không trả được nên vào vụ nuôi năm 2013 không còn được ngân hàng cho vay, “hàng nghìn lao động ở diện tích ao “treo” phải bủa đi làm thuê các nơi”.

Ông Lâm Chín Lái ở ấp Đại Môn, xã Liêu Tú (Trần Đề), đại diện cho một tổ sản xuất của Hiệp hội tôm Mỹ Thanh, kể: Tổ sản xuất có 32 hộ, vùng nuôi rộng 64 ha. Vụ tôm năm nay chỉ có 7 hộ thả nuôi diện tích 20 ha, còn lại “treo ao”, và 40 lao động chính đã phải đi làm thuê ở các khu công nghiệp tận Bình Dương.

Hiệp hội tôm Mỹ Thanh gồm các “đại gia” nuôi tôm công nghiệp dày kinh nghiệm, nổi tiếng ĐBSCL đã nhiều năm. Nhưng nay, đến văn phòng của hiệp hội này thấy vắng hoe, không còn tấp nập người ra vào. Trước đây, văn phòng hiệp hội có 4 người, gồm thư ký, kế toán, thủ quỹ cùng 1 tổ kỹ thuật 5-7 người. Nay chỉ còn 1 thư ký kiêm nhiều việc, 1 nhân viên văn phòng hợp đồng lương tháng gần 2 triệu đồng.

Thư ký Nguyễn Minh Tùng qua nhiều đắn đo mới thổ lộ, hiện nay, Hiệp hội còn nợ 140 triệu đồng tiền lương của 1 kỹ sư phụ trách kỹ thuật và 3 nhân viên văn phòng đã xin nghỉ việc, trong đó lương của kỹ sư đến 20 tháng với khoảng 60 triệu đồng. Cũng theo ông Tùng, ngay khoản tiền hỗ trợ cho tổ công an giúp đảm bảo an ninh trong vùng nuôi của Hiệp hội, mỗi tháng 5 triệu đồng mà từ tháng 4/2013 đến nay cũng nợ.

Đa số hội viên nuôi tôm trong năm 2011-2012 bị thất bại bởi dịch bệnh tôm chết sớm, dẫn đến thua lỗ nặng.

Nguồn Tiền phong


Sự kiện