Thứ Ba | 26/05/2015 12:30

Tỏi đen Việt Nam tự tin bước ra thế giới

Lượng kháng thể diệt khuẩn Allicin trong tỏi đen cô đơn của Việt Nam nhiều hơn tỏi Hàn Quốc tới 25%, trong khi giá bán chỉ bằng 1/4.

Tỏi đen không phải là một sản phẩm mới tại Việt Nam, nhưng lại chưa được người tiêu dùng biết đến rộng rãi dù có giá trị dinh dưỡng chẳng hề thua kém sản phẩm tương đồng của nước ngoài. “Việt Nam nên ngừng xuất khẩu nông sản thô với giá trị rẻ mạt làm đầu vào cho các sản phẩm cao cấp khác của thế giới. Đã đến lúc chúng ta cần tạo ra giá trị thặng dư trên chính nông liệu của mình”, ông Nguyễn Leo Long, chủ doanh nghiệp Tỏi đen Leo’s, khẳng định lý do thành lập Công ty vào năm 2010.

Sau 3 năm ròng rã nghiên cứu, Tỏi đen Leo’s đã nâng cấp thành công tỏi cô đơn Việt Nam thành sản phẩm chức năng cao cấp mang tên “Tỏi đen cô đơn”, có mặt tại nhà thuốc, siêu thị ở Canada, Mỹ và Nhật. Giá trị của loại tỏi này hiện cao gấp 2-3 lần tỏi cô đơn tươi ở thị trường Việt Nam.

Việt hóa công nghệ Nhật

Tỏi đen và tỏi trắng cùng là tỏi. Nhưng cách đây khoảng 10 năm, công nghệ lên men tỏi của Nhật và Hàn Quốc đã tạo ra sự khác biệt lớn trong giá trị của chúng. Bình thường, tỏi tươi có chứa 2 hợp chất Allicin và S-allyl cysteine nhưng hàm lượng rất thấp và dễ bay hơi ngay khi bóc vỏ. Tuy nhiên, nếu đưa tỏi tươi nguyên vỏ vào quá trình lên men tự nhiên trong vòng 30-60 ngày, 2 hợp chất này không chỉ được giữ lại nguyên vẹn mà còn nhân lên với hàm lượng cao gấp từ 5-10 lần. Đây là những hoạt chất kháng sinh cực mạnh và chống oxy hóa gấp nhiều lần tỏi thường, giúp chuyển đổi tỏi từ một gia vị thông thường thành dược liệu quý và đắt tiền. Giá trị dược liệu của tỏi đen đã được công nhận để dùng phổ biến trong bữa ăn hằng ngày lẫn điều trị y học ở các quốc gia phát triển.

Tiềm năng kinh tế rõ ràng của tỏi đen đã hấp dẫn ông Long bước vào kinh doanh món lạ này. Nhưng vốn là xuất thân từ ngành y chuyên ngành vi khuẩn, ông từ chối nhập tỏi đen về bán kiếm lời ngay như nhiều doanh nghiệp khác. Suốt 4 năm ròng rã từ 2006-2010, ông Long kiên trì tìm gặp và thuyết phục người Nhật chia sẻ bí quyết để tự mình biến tỏi cô đơn Việt thành tỏi đen. “Tận đến năm 2010, họ mới nghĩ lại và đồng ý chuyển giao công nghệ cho tôi với giá hơn 5 tỉ đồng, cùng một máy ủ công suất 250 kg tỏi/2 tháng với giá gần 1 tỉ đồng”, ông chia sẻ về tài sản ban đầu khi vừa khởi nghiệp.

Ông Nguyễn Leo Long, chủ doanh nghiệp Tỏi đen Leo’s
Ông Nguyễn Leo Long, chủ doanh nghiệp Tỏi đen Leo’s

Tuy nhiên, khi đã có công nghệ trong tay, Tỏi đen Leo’s vẫn thua lỗ liên tiếp trong suốt mấy năm đầu hoạt động. Thực tế đã chỉ ra nhiều rủi ro đến từ khâu tích hợp công nghệ Nhật vào tỏi Việt.

“Có nhiều khó khăn lắm. Từ khâu vận hành chẳng hạn. Máy ủ tỏi phải chạy liên tục đúng 60 ngày. Chỉ cần dừng quá 5 phút là hỏng mẻ tỏi, trong khi điện Việt Nam rất chập chờn và cúp điện hàng giờ. Rồi đến khác biệt khí hậu, ở Nhật khác Việt Nam, phải thử nghiệm từng mẻ điều chỉnh thời gian ủ mát xuống từ 30 ngày xuống còn 26 ngày. Có khi mình ủ không sai, nhưng nguyên liệu sàng lọc không đúng độ ẩm và đủ dược tính thì cũng không lên men được”, ông chủ Tỏi đen Leo’s kể lại. Cũng theo ông, bấy nhiêu thử thách đó thôi đã ngốn mất 3 năm trời cùng 8-9 tấn tỏi phải đổ bỏ.

Tỏi đen 1 nhánh, còn mang tên gọi là tỏi cô đơn
Tỏi đen 1 nhánh, còn mang tên gọi là tỏi cô đơn

Mãi cho đến tháng 10.2013, Công ty mới cho ra đời thành công 250 kg “Tỏi đen cô đơn” đầu tiên ở Việt Nam. Thành công này tuy nhỏ, nhưng chính là bước đột phá chứng minh Việt Nam hoàn toàn có thể cung cấp tỏi đen chất lượng cao cho thị trường thế giới. Theo kiểm định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), “Tỏi đen cô đơn” của Việt Nam có hàm lượng kháng thể Allicin ở mức 1.400 ml/g, vượt qua cả tỏi đen Hàn Quốc (1.050 ml/g) và chỉ thua mỗi tỏi đen Maori của Nhật (1.800 ml/g). Trong khi đó, giá bán tỏi đen của Nhật là 4,4 USD/củ, Hàn Quốc là 2,2 USD/củ, riêng Việt Nam chỉ có 0,5 USD/củ. Khả năng cạnh tranh cùng sản lượng tỏi dồi dào ở miền Trung Việt Nam đã khuyến khích Tỏi đen Leo’s đầu tư thêm 3 máy lên men tỏi cùng đội ngũ 20 công nhân.

Năm 2014, “Tỏi đen cô đơn” đã chính thức xuất hiện tại các nhà thuốc, siêu thị ở cả trong nước lẫn Canada, Mỹ và Nhật với tổng doanh số đạt 10,3 tỉ đồng. Trong đó, 65% đến từ xuất khẩu chủ yếu đi Mỹ và Canada, còn 35% bán làm quen với khách hàng trong nước. Theo ông Long, lợi nhuận biên từ 15-20%, như vậy Tỏi đen Leo’s có thể lãi ở mức 2-3 tỉ đồng, gần như đã gỡ gạc được phân nửa tiền vốn mua công nghệ chỉ trong năm đầu tiên chính thức kinh doanh. Tháng 6 tới, “Tỏi đen cô đơn” cũng sẽ có mặt ở hệ thống bán lẻ Costco trên toàn nước Mỹ.

Thử thách cho tỏi đen

Mức tăng doanh số ban đầu của Tỏi đen Leo’s chỉ có thể khẳng định tiềm năng của tỏi đen Việt Nam, nhưng để thành công bền vững vẫn là một dấu hỏi lớn vì còn không ít rào cản.

Thử thách thứ nhất nằm ở khâu nguyên liệu tỏi cô đơn. Giá bán của tỏi cô đơn Lý Sơn hiện ít được kiểm soát và biến động khó lường. Theo chia sẻ của các doanh nghiệp kinh doanh tỏi đen, bình thường giữa mùa tỏi (từ tháng 2 đến tháng 9), giá bán tỏi cô đơn Lý Sơn dao động quanh mức 400.000-600.000 đồng/kg. Nhưng đến gần Tết, giá loại tỏi này có thể tăng lên đến 1-1,2 triệu đồng/kg. Thêm vào đó, các công ty kinh doanh tỏi đen đều còn mới và có quy mô nhỏ, chưa đủ sức tự phát triển vùng nguyên liệu hoặc mua bán trực tiếp với nông dân. Hầu hết phải mua qua thương lái hoặc đầu nậu thu gom tỏi cô đơn với giá bán tiếp tục bị đẩy cao hơn. Chất lượng tỏi đầu vào, vì thế, cũng khó ổn định.

Kế đến, hiện vẫn có rất nhiều khách hàng nghi ngờ tính năng dược liệu của tỏi đen vì chưa có nghiên cứu chính thức nào từ Cục An toàn Thực phẩm. Trên thị trường cũng đã xuất hiện khá nhiều loại tỏi đen (cả tỏi tép lẫn tỏi cô đơn) lên men theo nhiều công nghệ khác nhau và đều được quảng cáo là thuốc chữa bách bệnh. Theo ông Long, tỏi đầu vào phải được xét duyệt về độ ẩm chiếm 70% trọng lượng tỏi và đạt tiêu chuẩn dược lý mới có thể lên men thành công. Nếu không thì sau khi lên men, tỏi vẫn đen nhưng lại là “tỏi đen gia vị” do không có các hợp chất kháng thể.

“Nhờ khí hậu thổ nhưỡng gần biển ở miền Trung Việt Nam nên các giống tỏi Phan Rang, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Lý Sơn đều có độ ẩm và mức dược tính rất cao. Càng tụ nhiều độ ẩm tức là càng nhiều hoạt chất thì khi lên men, chất lượng càng tốt. Vấn đề là các doanh nghiệp tỏi đen phải xây dựng lòng tin bằng những sản phẩm có dược tính thật sự”, ông nói thêm.

Dù có không ít thách thức, nhưng tiềm năng của sản phẩm này cũng đã bắt đầu thu hút nhiều doanh nghiệp khác tham gia. Khi được hỏi liệu có lo ngại việc nhiều đối thủ xuất hiện sẽ tranh giành thị phần với Công ty, ông chủ của Tỏi đen Leo’s chỉ cười và trả lời: “Tôi còn mong có nhiều người nhảy vào đầu tư sản xuất để thị trường phình to ra, biến tỏi đen Việt Nam thành một sản phẩm có thế mạnh, được đưa đi khắp thế giới. Đừng xuất khẩu tỏi thô nữa”.

Đoàn Hoa