Phần lớn danh mục đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm nằm ở tiền gửi ngân hàng/trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: TL.
Tốc độ tăng trưởng doanh số bảo hiểm nhân thọ trong 5 năm tới kỳ vọng đạt 15%/năm
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, năm 2021, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước đạt 159.458 tỉ đồng, tăng 22% so với năm trước bất chấp tình hình giãn cách xã hội do dịch bệnh. Trong đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 49.549 tỉ đồng, tăng trưởng 18,5%. Việc đẩy mạnh số hóa và tăng cường liên kết với các ngân hàng giúp doanh số bảo hiểm duy trì mức tăng trưởng cao.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 127.511 tỉ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, phí bảo hiểm nhân thọ khai thác mới chỉ tăng 6,35%, đạt 37.677 tỉ đồng.
Đối với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, tổng doanh thu phí năm 2021 ước đạt 57.880 tỉ đồng, tăng trưởng 3,98% so với năm trước, thấp hơn so với mức tăng trưởng 6,63% của năm 2020.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 49.792 tỉ đồng, tăng 19,1% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng cao này dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong cuối năm 2022 khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau đại dịch, cùng với những ưu đãi về chính sách của Chính phủ.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), thị trường bảo hiểm nhân thọ của Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tỉ lệ dân số có bảo hiểm nhân thọ đến cuối năm 2021 mới chỉ đạt 11%. ACBS kỳ vọng tốc độ tăng trưởng doanh số bảo hiểm nhân thọ trong 5 năm tới đạt 15%/năm.
Đối với mảng bảo hiểm phi nhân thọ, công ty chứng khoán này kỳ vọng doanh số ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ có tốc độ tăng trưởng ở mức 1 chữ số mỗi năm trong 5 năm tới.
Ở góc nhìn khác, Công ty Chứng khoán VNDirect đánh giá so với giai đoạn 2020-2021, lợi suất đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm đã giảm đi trong 9 tháng đầu năm 2022 do thị trường chứng khoán lao dốc và lãi suất huy động không tăng đáng kể cho đến khi Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 200 điểm cơ bản. Điểm sáng là lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân hiện đã tăng trung bình ~190 điểm cơ bản và ~275 điểm cơ bản so với đầu năm. Do đó, từ quý IV/2022 trở đi, VNDirect kỳ vọng các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bắt đầu đạt được lợi suất đầu tư tốt hơn do phần lớn danh mục đầu tư của họ nằm ở tiền gửi ngân hàng/trái phiếu doanh nghiệp (chủ yếu với lãi suất thả nổi).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng ‘nổi tiếng nhiều tiền mặt’, do vậy những chính sách lãi suất cũng có tác động nhiều đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Đối với bảo hiểm phi nhân thọ, quy mô danh mục đầu tư mà tiền gửi và trái phiếu hiện nay chiếm đa số khoảng 90% (tỉ lệ tiền gửi chiếm gần 70% trong khi trái phiếu chiếm khoảng 20%), hiệu suất sinh lời đầu tư của nhóm công ty bảo hiểm phi nhân thọ sẽ gia tăng trong môi trường lãi suất tăng. Agriseco Research ước tính nếu lãi suất tăng 1% sẽ giúp lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ tăng thêm 10,8%.
Có thể bạn quan tâm