Với các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý II/2024, tín dụng đã tăng lên khoảng 6%. Ảnh: TL.
Tốc độ giải ngân tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm?
Với các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết quý II/2024, tín dụng đã tăng lên khoảng 6%, hoàn thành mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ là phấn đấu tăng từ 5-6%. Trong đó riêng nửa cuối tháng 6/2024 tín dụng đã tăng vọt với mức tăng từ 3,79% (đến ngày 15/6/2024) lên mức 6% (đến ngày 28/6/2024) so với thời điểm cuối năm.
Tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa giữa các ngân hàng khi thị trường bất động sản ấm lên giúp thúc đẩy nhu cầu tín dụng tại một số ngân hàng có tỉ lệ cho vay bất động sản cao. Số liệu từ Trung tâm Phân tích, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), các ngân hàng có tỉ lệ cho vay bất động sản cao như TCB, LPB, MSB, HDB nhìn chung có tăng trưởng tín dụng tốt hơn so với trung bình ngành. Bên cạnh đó nhiều ngân hàng vẫn có mức tăng trưởng thấp hơn nhiều lần so với toàn ngành như nhóm các ngân hàng có vốn Nhà nước.
Mức tăng trưởng tín dụng không đồng đều giữa các ngân hàng. Nguồn: BCTC các ngân hàng, Agriseco Research tổng hợp |
Agriseco Research kỳ vọng tốc độ giải ngân tín dụng sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2024 và hoàn thành định hướng kế hoạch tăng trưởng 15% nhờ các động lực chính.
Đầu tiên, kinh tế vĩ mô đang diễn biến tích cực, tăng trưởng GDP các quý sau tốt hơn quý trước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động gia tăng. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có 139.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Cùng với đó, thị trường bất động sản đang nhiều tín hiệu khởi sắc và kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2023. Các yếu tố này làm tăng cầu tín dụng và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Thứ hai, các giải pháp thúc đẩy của Ngân hàng Nhà nước như rà soát điều chỉnh và phân phối lại room tín dụng, triển khai các chương trình tín dụng ngành, lĩnh vực; các chương trình tín dụng chính sách xã hội và Chương trình mục tiêu quốc gia cũng là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của hệ thống.
Và thứ ba là nỗ lực của các Ngân hàng Thương mại để tiết giảm chi phí trên cơ sở định hướng của Ngân hàng Nhà nước nhằm giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích cầu tín dụng và hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời quan điểm của Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để các Ngân hàng Thương mại có thể tiếp cận nguồn vốn chi phí thấp.
Hồi đầu tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/5/2024 về triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Thủ tướng chỉ thị ngân hàng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Những yếu tố tích cực này tạo nền tảng để kỳ vọng vào sự tăng trưởng của tín dụng trong nửa cuối năm 2024, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.
Có thể bạn quan tâm