Ảnh: aboitizpower.com

 
Sơn Nguyễn Thứ Ba | 01/10/2019 10:00

Toan tính mới của giới đầu tư Philippines

Sau thời gian trầm lắng, dòng vốn đầu tư từ Philippines có dấu hiệu tăng nhiệt trở lại.

Dòng vốn lớn từ Philippines thông qua hàng loạt thương vụ M&A trị giá ngàn tỉ đồng đã chảy vào các lĩnh vực tiềm năng của Việt Nam như hạ tầng, năng lượng tái tạo hay thực phẩm - đồ uống.

Năng lượng sạch dẫn đầu

Mới đây, Tập đoàn AboitizPower công bố thương vụ mua lại trang trại điện gió Đầm Nại (Ninh Thuận) của Mekong Wind. Giá trị M&A rơi vào tầm 46 triệu USD, giúp nhà đầu tư Philippines đặt bước chân đầu tiên vào một trong những thị trường tiêu thụ năng lượng hấp dẫn nhất châu Á hiện nay.

Được thành lập vào năm 1998, AboitizPower là cái tên khá nổi tiếng trong ngành điện của Philippines. Thương vụ này giúp AboitizPower sở hữu danh mục đa dạng dự án năng lượng tái tạo như thủy điện, điện mặt trời, địa nhiệt hay điện gió có tổng công suất lên đến 1.200MW. “Giao dịch này là một cột mốc quan trọng đối với AboitizPower, đánh dấu việc mở rộng của chúng tôi trên thị trường quốc tế. Chúng tôi có ý định quay trở lại thị trường quốc tế một thời gian và chúng tôi đã thận trọng trong việc tìm kiếm cơ hội phù hợp sẽ mang lại giá trị tốt nhất cho Công ty và các cổ đông của chúng tôi. Thương vụ M&A này là một giao dịch như vậy”, ông Erramon I. Aboitiz, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành AboitizPower, cho biết.

Đối thủ cạnh tranh của AboitizPower là tập đoàn lâu đời Ayala cũng có động thái đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, thông qua các thương vụ M&A hay liên doanh với các đối tác trong nước. Đơn cử như Ayala đã liên doanh với Bim Group để phát triển dự án điện mặt trời lớn nhất Đông Nam Á tại Ninh Thuận (công suất 250MW). Mới đây, tập đoàn này còn nhận được 75 triệu USD vốn đầu tư trái phiếu từ Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) để mở rộng đầu tư tại Đông Nam Á với tham vọng nâng tổng công suất năng lượng tái tạo lên 5GW.

Có thể thấy ý định rõ ràng của các nhà đầu tư Philippines khi lái dòng vốn đến Việt Nam. Theo bảng xếp hạng các nền kinh tế tốt nhất để đầu tư trong năm nay của  US News & World Report, Việt Nam đã vượt qua các nước láng giềng Đông Nam Á gồm Malaysia, Indonesia và Singapore để đứng thứ 8 trên thế giới, tăng bậc đáng kể so với vị trí thứ 23 vào năm ngoái. Với nền kinh tế đang phát triển năng động bậc nhất khu vực, Việt Nam hứa hẹn mang đến một cơ hội đầu tư hấp dẫn, đặc biệt trên các mảng thiết yếu như năng lượng khi Chính phủ đang khuyến khích sự tham gia sâu rộng hơn của dòng vốn tư nhân nhằm giảm tải cho ngân sách nhà nước, thân thiện hơn với môi trường.

Trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia năm 2011-2020 được Chính phủ phê duyệt, tổng công suất các nhà máy điện cả nước dự kiến tăng mạnh từ 47.000MW hiện nay lên 129.500MW vào năm 2030. Theo nhận định của World Bank, để đạt được mục tiêu này cần số vốn đầu tư lên đến 148 tỉ USD. “Bên cạnh vai trò quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đầu tư mới vào ngành điện cần phải huy động từ khu vực tư nhân”, báo cáo của World Bank nhận định.

Xi măng lọt vào tầm ngắm

Một lĩnh vực công nghiệp cốt lõi khác thu hút được giới đầu tư Philippines là xi măng. Mới đây, Tập đoàn Phinma Corp của Philippines đã chi ra 50 triệu USD để mua cổ phiếu ưu đãi (chiếm 60% lượng cổ phần) của Xi măng Sông Lam có công suất 4 triệu tấn/năm. Theo thông tin rò rỉ, lượng cổ phiếu này sẽ nhận được đảm bảo tỉ lệ cổ tức hằng nằm là 7,5%, đi kèm tùy chọn được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.

Có tuổi đời hơn 72 năm, Phinma là một trong những định chế kinh doanh lâu đời nhất Philippines với danh mục đầu tư đa dạng, gồm mảng giáo dục, thép, bất động sản và năng lượng. Sau khi thôn tính Sông Lam, Phinma sẽ biến thành viên này trở thành nhà cung cấp nguyên liệu cho thương hiệu xi măng của riêng Tập đoàn, đồng thời, có cơ hội mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam nhờ nhu cầu đến từ các dự án hạ tầng trọng điểm đang lên kế hoạch khởi động như cao tốc, sân bay.

Cơ hội còn đến từ 30.000-35.000ha diện tích khu công nghiệp sẽ được bổ sung trong 3 năm tới. “Những yếu tố này sẽ tiếp tục kích thích các hoạt động xây dựng, đặc biệt là khu công nghiệp, vì thế hỗ trợ nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa trong thời gian tới”, Công ty Chứng khoán Bảo Việt kỳ vọng.

Hiện ngành xi măng vẫn đang trong giai đoạn tái cấu trúc mạnh mẽ do nguồn cung vẫn khá lớn so với nhu cầu. Theo hãng phân tích FiinGroup, dư địa tăng trưởng của các doanh nghiệp ngành xi măng vẫn còn lớn. “Thị trường xi măng Việt Nam sẽ đạt đến trạng thái cân bằng vào năm 2028. Tăng trưởng nhu cầu đối với xi măng được dự báo đạt 5% từ đây cho đến năm 2030”, Công ty FiinGroup nhận định.