Toan tính của QH Plus
Liên doanh QH Plus và Koizumi (Nhật) vừa khai trương ProStock, chuỗi cửa hàng chuyên kinh doanh vật tư và thiết bị xây dựng đầu tiên ở Việt Nam trong bối cảnh vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản trong nước đang tăng mạnh, dẫn đầu là các đối tác Nhật. Đây là lần thứ 2 ông Koji Nagasaka, vị Chủ tịch ngoài 70 tuổi của Tập đoàn Koizumi xuất hiện trước giới truyền thông Việt Nam. Lý do hình thành ProStock được ông Koji giải thích rất đơn giản: ở Việt Nam chưa có các chuỗi cửa hàng như vậy trong khi nhu cầu xây dựng đang tăng nhanh.
Theo chân người Nhật
Ở Việt Nam, cửa hàng đầu tiên của ProStock có diện tích tổng cộng 400m2, với 7.000 mặt hàng được bày bán như máy khoan, đồng phục lao động, gạch, ốc, thép... 70% nguồn hàng của ProStock đến từ các doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả hàng của các công ty Nhật đang hoạt động ở Việt Nam, 30% còn lại là nhập khẩu.
ProStock hướng đến mô hình One Stop Shop - một nơi bán đầy đủ mặt hàng trong ngành xây dựng, nhưng với diện tích hiện nay, đơn vị này giống mô hình showroom kết hợp bán lẻ nhiều hơn. Cũng phải nói thêm, vật tư và vật liệu xây dựng là nhóm đầu vào trong quy trình xây dựng, chiếm khoảng 60-70% giá thành xây dựng.
Theo thông tin từ QH Plus, từ đây đến năm 2019 sẽ mở tổng cộng 20 cửa hàng trên toàn quốc. Diện tích cửa hàng sẽ tăng lên 600m2 với khoảng 9.000 mặt hàng kinh doanh, bởi theo kinh nghiệm của Koizumi, đa dạng mặt hàng là yếu tố quyết định thắng thua trong ngành này. Ước tính mảng ProStock sẽ đóng góp 25 triệu USD doanh thu cho QH Plus trong 5 năm tới.
ProStock hình thành trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam đang rất sôi động. Theo số liệu trong 2 tháng đầu năm 2017 của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu Tư), vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực bất động sản là 345,5 triệu USD, chiếm 10% tổng vốn đầu tư, tăng gấp 12 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính lũy kế đến tháng 2 vừa qua, lĩnh vực bất động sản đã thu hút tổng cộng 52,4 tỉ USD, dẫn đầu là các nhà đầu tư đến từ Nhật, Singapore, Hồng Kông...
Không khó để liệt kê các dự án có góp vốn từ phía Nhật trong thời gian qua như The Manor Central Park (Hà Nội) - liên doanh giữa Mitsubishi và Bitexco, Hankyu Realty và Nishi Nippon Railroad hợp tác với Nam Long phát triển dự án Kikyo Residence, Creed Group rót vốn vào River City của Phát Đạt và An Gia hay Kajuma Overseas Asia chi 500 triệu USD cùng Indochina Capital thành lập liên doanh Indochina Kajima Development.
Qua nhiều năm làm việc với các đối tác Nhật, QH Plus đủ hiểu văn hóa kinh doanh của người Nhật. Họ có xu hướng tìm đến các công ty “đồng hương” trong chuỗi cung ứng vì an tâm về chất lượng nhưng có giá rẻ hơn so với việc nhập khẩu trực tiếp từ Nhật. Vị Chủ tịch Tập đoàn Koizumi cũng thừa nhận rằng, các công ty Nhật là khách hàng Pro Stock đang hướng đến.
Sự chuyển hướng có tính toán
Nhìn kỹ hơn, đây là chiến lược đã được QH Plus tính toán từ cách đây 2 năm, khi bán 23% cổ phần cho Koizumi, đơn vị được thành lập vào năm 1947, là một trong những tập đoàn tiên phong trong lĩnh vực thiết bị nhà ở, phụ kiện hỗ trợ xây dựng, vật liệu điện, nước... Chính Koizumi cũng đang vận hành 15 chuỗi cửa hàng như ProStock ở Nhật và là công ty dẫn đầu trong thị trường này.
Từng làm việc với nhiều đối tác xây dựng ở Nhật, QH Plus không quá khó khăn để lọt vào mắt xanh của Koizumi, dù rằng tập đoàn này không có xu hướng đầu tư dàn trải. Trong lịch sử đầu tư của mình, QH Plus là công ty thứ 4 trên thế giới mà Koizumi rót vốn vào.
Tiền thân QH Plus là Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thép Quang Hưng, chuyên kinh doanh sắt thép được thành lập năm 2006. Đến năm 2009, Công ty bắt đầu chuyển hướng kinh doanh theo mô hình sản xuất vì theo ông Nguyễn Quang Huy, Tổng Giám đốc QH Plus, khủng hoảng kinh tế lúc bấy giờ đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành thép. Trong vòng 3 tháng, giá thép giảm đến 50% làm lung lay mô hình thương mại thép thuần túy mà Công ty theo đuổi ban đầu. “Việc tìm định hướng mới lúc đầu khá khó khăn, sản xuất thì sản xuất cái gì đây? Thị trường nội địa không dễ dàng chấp nhận sản phẩm quá mới, còn nếu làm các sản phẩm phổ biến thì rất khó cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc”, ông Huy nói.
Năm 2013, Công ty đầu tư mở rộng thêm mảng sản xuất phụ kiện ứng dụng cho ngành bê tông (các phụ kiện giúp nâng, hạ và nối các cột bê tông với nhau). Theo ông Huy, ở các nước phát triển, trừ phần móng, các thành phần còn lại của tòa nhà hay ngôi nhà đều theo hướng từng khối lắp ghép lại với nhau giúp giảm chi phí nhân công và thời gian xây dựng.
Quyết định này đã giúp QH Plus trở lại đà tăng trưởng, với mức tăng doanh thu trung bình trên 30% mỗi năm. Từ thị trường chính là Nhật, QH Plus đã mở rộng sang New Zealand, Úc và châu Âu. Hiện QH Plus có hai nhà máy ở Nhơn Trạch - Đồng Nai với tổng diện tích 47.000m2, tổng vốn đầu tư tính đến nay là 20 triệu USD.
Năm 2016 doanh thu của QH Plus đạt hơn 2.000 tỉ đồng. Theo một nghiên cứu năm 2011 của Bloomberg, ngành phụ kiện bê tông có lợi nhuận ròng là 2,03% xếp thứ 89/100 ngành nghề có lợi nhuận ròng cao nhất.
Thoát nạn trong cơn bão giảm giá ngành thép, cơ cấu lại hoạt động Công ty đi theo hướng sản xuất và giờ đây lại mở rộng thêm hoạt động kinh doanh bằng chuỗi cửa hàng ProStock là hướng đi đã được Công ty định hình từ năm 2013. “Thị trường vật tư và thiết bị xây dựng ở Việt Nam hiện nay rất tiềm năng, vì chưa có một cửa hàng nào kinh doanh bài bản, có quy chuẩn”, ông Huy nói.
Huy Vũ