Toàn cầu hóa vẫn sống khỏe
Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy hoạt động thương mại toàn cầu bùng nổ trong những năm 1990 và 2000, giảm mạnh trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, rồi hồi phục mạnh trong năm 2009 và 2010. Kể từ đó, thương mại toàn cầu đã đi theo một quỹ đạo tăng trưởng khá chậm chạp.
Tuy nhiên, quỹ đạo phục hồi này đã khả quan hơn kể từ mùa hè năm ngoái. Theo Báo cáo Giám sát Thương mại Thế giới hàng tháng được Văn phòng Phân tích Chính sách Kinh tế của Hà Lan (CPB) công bố và phát hành sáng nay, kim ngạch thương mại toàn cầu trong tháng 2/2017 đã tăng 4,2% so với tháng 7/2016. Đây là mức tăng cao nhất cho một chu kỳ 6 tháng kể từ năm 2010.
Chỉ số thương mại hàng hóa toàn cầu, với mức chuẩn là 100 vào năm 2010. Ảnh: Bloomberg/CPB |
Khoảng thời gian sáu tháng có lẽ không thực sự có nhiều ý nghĩa. Nhưng trước đây, nhiều người đã dùng chỉ số CPB này và một số chỉ số khác để đưa ra cảnh báo về việc chấm dứt quá trình toàn cầu hoá, hoặc thậm chí về quá trình phi vật chất hóa nền kinh tế toàn cầu (nghĩa là các sản phẩm vô hình sẽ thay thế cho hàng hóa thông thường), thì rõ ràng sự cải thiện kỳ này là rất đáng lưu ý.
Có lẽ những biến động lạ thường về mặt thống kê - giống như chuyện thế hệ Y (sinh ra trong giai đoạn 1980-2000) từng bị cho là không muốn mua nhà hay mua xe, nhưng hóa ra là họ lại mua rất nhiều một khi có tiền – phần lớn là do hậu quả của một cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ và sâu rộng trên toàn cầu. Và phải tới bây giờ thì thế giới mới vượt qua những dư âm của nó.
Hoạt động thương mại toàn cầu có thể sẽ không quay trở lại được đà tăng trưởng giống như những năm 2000, và hoạt động kinh tế, ít nhất ở các nước phát triển, sẽ ngày càng ít liên quan đến vật chất và tiếp tục nghiêng về mảng thông tin hay dịch vụ. Nhưng các yếu tố chu kỳ vẫn đóng vai trò lớn, và bây giờ xem ra nền kinh tế thế giới đang quay trở lại một chu kỳ tích cực.
Bá Ước
Nguồn Bloomberg