Hải Vân Thứ Năm | 18/10/2018 09:12

Toàn cảnh vốn vay ODA từ Nhật Bản

JICA Việt Nam khẳng định, Việt Nam có thể tiếp tục sử dụng các khoản vay ODA của Nhật Bản trong nhiều thập niên tới.

Đang có nhiều ý kiến, thậm chí nhận định chưa đúng về nguồn vốn vay ODA từ Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam khẳng định trong thông báo phát đi chiều 17.10.

Tỷ lệ ưu đãi bị sụt giảm

Đang có những quan tâm về các điều khoản và điều kiện mới của các khoản vay ODA của Nhật Bản đã được áp dụng cho các dự án tại Việt Nam từ ngày 1.10.2017, với tỉ lệ ưu đãi bị sụt giảm, trên thực tế đang được bàn luận nhiều.

Theo Jica, các điều khoản và điều kiện của vốn vay ODA Nhật Bản được thiết lập dựa trên mức thu nhập của các nước tiếp nhận (Tổng thu nhập quốc dân GNI/đầu người). Hỗ trợ phát triển (mức hỗ trợ, trọng tâm hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ…) sẽ biến chuyển cùng với sự phát triển (mức tăng thu nhập) của nước tiếp nhận.

Như vậy, mức độ ưu đãi của các điều khoản và điều kiện của ODA Nhật Bản đã thay đổi khi mức thu nhập của Việt Nam được xếp hạng vào hạng mục "Thu nhập trung bình thấp".

Mặc dù vậy, sự gia tăng của lãi suất là rất nhỏ, từ 1,4% lên 1,45% cho các điều khoản không ràng buộc, đồng thời yếu tố không hoàn lại trong vốn vay ODA Nhật bản theo cách tính của OECD-DAC vẫn còn cao. Hơn nữa, mức độ ưu đãi của ODA Nhật Bản có thể được nhận thấy thông qua so sánh với các nhà tài trợ đa phương và song phương khác.

Toan canh von vay ODA tu Nhat Ban
 

Kể từ tháng 7.2017, các nhà tài trợ đa phương đã bắt đầu dừng cung cấp các khoản vay ODA  cho Việt Nam (Việt Nam đã tốt nghiệp các khoản vay IDA của WB vào tháng 7.2017 và sẽ tốt nghiệp các khoản vay hỗn hợp ODA và  vay ưu đãi OCR của ADB vào tháng 1 năm 2019.

Ngược lại, JICA, với việc thiết lập các điều khoản và điều kiện cho vay của mình dựa trên định nghĩa ODA của OECD-DAC, có thể tiếp tục cung cấp các khoản vay ODA cho Việt Nam đến khi Việt Nam tốt nghiệp hạng mục "Thu nhập trên trung bình", hiện được định nghĩa là có mức GNI/đầu người trên 12.235 USD và xem xét sự tăng trưởng kinh tế hiện tại của Việt Nam.

Điều kiện cho vay khắt khe

Một số lập luận đã được đưa ra về Chính phủ Nhật Bản áp đặt điều kiện tương đối khắt khe về cho vay, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu và tư vấn Nhật Bản, như chính sách thuế, xuất xứ của nhà thầu và phương thức mua sắm.

Về điều này, Jica Việt Nam cho rằng, các điều khoản và điều kiện của khoản vay ODA của mình là ưu đãi, với lãi suất thấp và thời hạn trả nợ dài, 30-40 năm, đây là điều mà thị trường tài chính tư nhân không thể cung cấp.

Lãi suất và thời hạn trả nợ được chia thành nhiều loại: Điều kiện không ràng buộc, Điều kiện ưu đãi, Điều kiện ưu đãi cho yêu cầu kỹ thuật cao và STEP. Theo đó, khi càng nhiều điều kiện được áp dụng, thì lãi suất và thời hạn trả nợ càng trở nên thuận lợi hơn cho bên vay.

Trong 4 loại hình cấp vốn, có một số lựa chọn và bên vay có thể chọn loại khoản vay phù hợp nhất với dự án cũng như thời hạn trả nợ theo nhu cầu của mình. Hầu hết các bên vay thường chọn loại hình có lãi suất cố định với thời hạn trả nợ dài nhất, và chúng tôi tôn trọng yêu cầu của họ.

Thế nhưng, lại có một số thông tin cho rằng phía Nhật Bản áp đặt lãi suất thả nổi đối với Việt Nam, song Jica Việt Nam khẳng định là không chính xác.

Trên thực tế, các khoản vay ràng buộc là thuộc loại “Điều khoản đặc biệt dành cho đối tác kinh tế (STEP)” có mức ưu đãi đặc biệt. Hiện lãi suất là 0,1% với thời gian trả nợ là 40 năm.  STEP chỉ áp dụng cho các dự án mà công nghệ và bí quyết của Nhật Bản được áp dụng một cách đáng kể.

Thông qua các dự án STEP, Chính phủ Nhật Bản đang đẩy mạnh chính sách "Cơ sở hạ tầng chất lượng" sử dụng "công nghệ và bí quyết" của các công ty Nhật Bản đáp ứng được các yêu cầu: Hiệu quả kinh tế (xét trên Chi phí vòng đời), tính an toàn, khả năng ứng phó với thiên tai, độ thân thiện với môi trường và xã hội, khả năng đóng góp cho kinh tế xã hội địa phương, nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ.

Các nước tiếp nhận yêu cầu dự án STEP khi họ muốn sử dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến này của các công ty Nhật Bản cho Dự án.

Trong tổng số vốn vay từ năm 2010 đến năm 2017, các khoản vay STEP (vay ràng buộc) chỉ chiếm 38% trong khi 62% còn lại (điều kiện không ràng buộc) là các khoản vay được cung cấp mà không có bất kỳ hạn chế nào về quốc tịch của nhà thầu hoặc nguồn gốc mua sắm.

Jica Việt Nam tin rằng, việc lựa chọn nhà tư vấn và nhà thầu cho dự án ODA của Nhật Bản phải phù hợp với Hướng dẫn về mua sắm của JICA áp dụng cho vốn vay ODA Nhật Bản.

Một điểm nữa, tính đến nay, các công ty Việt Nam chiếm số lượng nhiều nhất trong số các đơn vị thực hiện hợp đồng, đây là kết quả của hoạt động đấu thầu cạnh tranh trong các dự án ODA của Nhật Bản. Hơn nữa, ngay cả với các dự án áp dụng STEP, các công ty không mang quốc tịch Nhật Bản cũng đã tham gia với tư cách là nhà thầu phụ hoặc là công ty đối tác liên doanh.

Chính sách thuế

Chính sách thuế đối với các dự án vốn vay ODA Nhật Bản phù hợp với luật lệ và quy định của Việt Nam. Trong quá trình thẩm định khoản vay, đối tác Nhật Bản đưa ra các quy định để tăng chi phí dự án và quy mô cho vay, chẳng hạn như tiền lương của tư vấn trong nước và quốc tế, dự phòng trượt  giá…

Liên quan đến việc hình thành dự án, JICA ban hành 'Hướng dẫn chung về Thẩm định' vào mỗi năm tài chính. Các mục được nêu trong hướng dẫn chung là các quy tắc áp dụng mang tính toàn cầu và được thiếp lập cho mục đích ước tính chi phí. JICA thảo luận kỹ lưỡng với phía Việt Nam, trong đó có Bộ Tài chính, về các mục trong hướng dẫn chung trước khi tiến hành thẩm định và hoàn tất dự toán chi phí.

Để tránh xảy ra tình trạng thiếu vốn trong quá trình thực hiện dự án, bản Hướng dẫn chung đưa ra các quy định chung về tỉ giá hối đoái, các định mức chi phí, dự phòng và trượt giá nhằm thực hiện ước tính chi phí.

Toan canh von vay ODA tu Nhat Ban

Dựa trên chi phí ước tính cho dự án, JICA sẽ quyết định về khối lượng vốn vay được cung cấp theo nguồn tài chính của JICA. Vì vậy, các mục được nêu trong bản Hướng dẫn chung được sử dụng để đánh giá khối lượng tài chính thích hợp tài trợ cho dự án.

Về nguyên tắc, hoạt động mua sắm sẽ được tổ chức theo hình thức đấu thầu cạnh tranh (hoặc đấu thầu cạnh tranh hạn chế, nếu đó là khoản vay có điều kiện ràng buộc) và chi phí thực tế cho mỗi gói thầu sẽ được xác định sau khi đánh giá kết quả đấu thầu/ký kết hợp đồng giữa chủ dự án và nhà thầu / nhà tư vấn trong giai đoạn thực hiện. Giá thực tế được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh, và thường thấp hơn so với ước tính chi phí trong quá trình thẩm định.

Tính công khai minh bạch 

Theo Bộ Tài chính, cùng với Luật Quản lý nợ công được thông qua trong năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2018), Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chuẩn bị thẩm định các dự án vốn vay Nhật Bản. Điều này cũng đặt ra các yêu cầu nhằm tăng cường tính công khai và minh bạch trong việc thực hiện dự án.

Phía JICA hoàn toàn đồng ý với chính phủ Việt Nam về việc cần tăng cường chia sẻ thông tin và tính minh bạch. Việc này, theo JICA là để xác nhận tổng quan dự án và kết quả dự kiến ​​của dự án cũng như đảm bảo tính minh bạch của việc cung cấp vốn vay của Nhật Bản đối với công chúng.

Hơn nữa, “Đánh giá hâu dự án” được tiến hành sau khi hoàn thành dự án để đánh giá liệu các kết quả đầu ra và chỉ số kế hoạch đã đặt ra tại thời điểm đánh giá tiền dự án có đạt được hay không. Điều này cũng được công khai trên trang web của chúng tôi.

JICA cam kết hỗ trợ bất kỳ cải tiến nào trong hệ thống của Việt Nam. Tuy nhiên, Jica nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phân biệt giữa các vấn đề có thể được công khai và những vấn đề cần được giữ bí mật trên quan điểm đảm bảo cạnh tranh công bằng trong quá trình đấu thầu.

Ví dụ, Jica công khai tên của các nhà thầu chỉ sau khi ký kết hợp đồng; Báo cáo đánh giá tiền dự án sẽ đưa ra phác thảo phạm vi và tiến độ dự án nhưng sẽ chỉ đề cập đến tổng chi phí dự án.

Quá trình thực hiện một số dự án ODA của Nhật Bản kéo dài làm tổng chi phí bị đội lên. Ai chịu trách nhiệm về việc này?

Phía Jica Việt Nam cho rằng, các dự án bị trì hoãn đáng kể khi gặp phải các vấn đề về giải phóng mặt bằng, các vấn đề trong đấu thầu, và các phê duyệt khác nhau của Chính phủ… Gần đây, tình trạng thiếu ngân sách cho Kế hoạch Đầu tư Công - Trung hạn và/hoặc ngân sách nhà nước hàng năm cũng đã làm chậm lại hoặc cản trở việc thực hiện nhiều dự án.

Jica Việt Nam thấy cần thiết phải cải thiện độ chính xác trong việc dự báo nhu cầu vốn, tính hiệu quả của các hoạt động hành chính và tính linh hoạt/độ kịp thời trong việc giải quyết các vấn đề xảy ra trong quá trình thực hiện dự án. Đồng thời, phía Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh thủ tục các dự án ODA ở mọi giai đoạn.