Huy Hoàng Thứ Năm | 25/10/2018 10:50

Toàn cảnh lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp niêm yết

Nhóm ngành cổ phiếu thủy sản, may mặc và dầu khí là điểm sáng toàn sàn còn nhóm ngành phân bón, đạm là mảng tối của bức tranh lợi nhuận quý III/2018.

Xuất khẩu cá tra sang Mỹ lập kỷ lục tăng 256%

"1 triệu doanh nghiệp" vì sao khó thành?


326/759 doanh nghiệp niêm yết đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2018. Tổng lợi nhuận trước thuế của các doanh nghiệp tăng 27,2%. Tốc độ này đang giảm so với trước. Ngành nào là điểm sáng, ngành nào gặp khó khăn? Bức tranh lợi nhuận doanh nghiệp quý III đang dần hoàn thiện

Điểm sáng kết quả kinh doanh quý III: Thủy sản, dệt may và dầu khí

70% là mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của nhóm cổ phiếu dệt may trong quý III. Chính điều đó tạo nên sự hấp dẫn của những cổ phiếu này thu hút sự chú ý của dòng tiền trong suốt thời gian qua. Thậm chí, có nhà đầu tư coi những lúc thị trường điều chỉnh mạnh là cơ hội mua vào cổ phiếu của nhóm ngành này.

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng của ngành dệt may trong thời gian qua tạo bất ngờ cho thị trường và các doanh nghiệp dệt may đang tận dụng khá tốt cơ hội từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Tương tự, nhiều doanh nghiệp lập kỷ lục về xuất khẩu, thuế chống bán phá giá vào thị trường Mỹ giảm là điều kiện thuận lợi giúp các doanh nghiệp thủy sản trên sàn đạt lợi nhuận tăng đột biến. Nhìn chung, trong cả nhóm mức tăng trưởng trên 100%, nhóm ngành thủy sản có phần ấn tượng hơn cả dệt may.

Thêm một nhóm cổ phiếu cũng tạo không ít sóng trên thị trường thời gian qua là nhóm dầu khí. Trước diễn biến giá dầu thế giới tăng, các doanh nghiệp như GAS cũng có mức lợi nhuận tăng ấn tượng, toàn ngành đạt mức tăng 64% lợi nhuận cao nhất từ năm 2016 trở lại đây. Theo các chuyên gia, triển vọng của các nhóm ngành trên ở quý IV vẫn tiếp tục khả quan.

Toan canh loi nhuan quy III cua cac doanh nghiep niem yet
Sự tăng trưởng của ngành dệt may trong thời gian qua tạo bất ngờ cho thị trường và các doanh nghiệp dệt may. Ảnh: Quý Hòa

Điểm tối trong bức tranh lợi nhuận quý III: Nhóm ngành phân bón, đạm

Báo cáo nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI, nhóm ngân hàng tốc độ tăng tưởng lợi nhuận trong 6 tháng đạt 71% nhưng trong quý III chỉ còn là 21%. Môi giới, tự doanh chứng khoán đều suy giảm gần 10%.

Một số ngành thậm chí còn sụt giảm lợi nhuận 30 - 50% như câu chuyện của ngành đạm, phân bón. Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau giảm trên 30%, Đạm Hà Bắc giảm đến 60%. Theo các chuyên gia, sở dĩ như vậy là do đặc thù của nhóm ngành này phải chịu tác động nhiều bởi sự biến động thất thường của giá nguyên liệu đầu vào và nguồn cung trên thị trường hơn gấp 3 lần nhu cầu.

Ngành điện, thép phân hóa

Không mang màu sáng, cũng không mang màu tối mà có sự phân hóa ngay trong nội bộ ngành đó là câu chuyện của nhóm cổ phiếu liên quan đến điện. Do thời tiết mưa nhiều, công tác phát điện thuận lợi nên các doanh nghiệp thủy điện như Hủa Na ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, Thủy điện Đa Nhim vượt 49% chỉ tiêu cả năm, Thủy điện Thác Mơ, Thác Bà hay Nậm Mu đều có lợi nhuận tăng trưởng trên dưới 20%.

Tuy nhiên, những cơn mưa lại khiến sản lượng sụt giảm, giá thị trường thấp và khiến quý III lại là cơn ác mộng của nhiệt điện. Nhiệt điện Cẩm Phả lỗ hơn 300 tỷ đồng, Nhiệt điện Phả Lại giảm doanh thu 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhiệt điện Bà Rịa và Nhiệt định Ninh Bình cũng ngậm ngùi báo lỗ trong khi 2 quý trước đều có lãi.

Một ngành nữa cũng có sự phân hóa ngay trong nội bộ là ngành thép. Trong danh sách những doanh nghiệp báo lỗ trong quý III đến thời điểm này, có nhiều đại diện ngành thép như Thép Việt Ý và Cán thép Thái Trung. Mức lỗ lần lượt là gần 65 tỷ đồng và hơn 16 tỷ đồng.

Công ty chứng khoán HSC nhận định, lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp thuộc nhóm thép dẹt (tôn, mạ) như Hoa Sen hay Nam Kim cũng không mấy khả quan. Đây là nhóm chịu nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài như giá nguyên liệu thép cuộn cán nóng hay sự gia tăng các vụ kiện chống bán phá giá từ các thị trường xuất khẩu. Thị trường nội địa cũng có nhiều yếu tố bất lợi.

Trái ngược, nhóm doanh nghiệp thép dài có lợi thế sản xuất được các sản phẩm cốt lõi trong chuỗi giá trị thép lại được dự báo khả quan. Ví như so với thời điểm đầu năm, giá cổ phiếu Pomina vẫn ổn định, thậm chí, cổ phiếu Hòa Phát còn tăng 15%.

Trước sự phân hóa khá rõ rệt của nhóm doanh nghiệp thép, giới phân tích tỏ ra thận trọng khi dự báo về sức tăng trưởng ngành này trong ngắn hạn. Vì nhìn chung, đây là ngành chịu khá nhiều tác động, thách thức từ các yếu tố bên ngoài.

Bức tranh lợi nhuận quý III của hơn 42% doanh nghiệp niêm yết trên sàn đã hiện ra với các mảng màu sáng, tối và thậm chí phân hóa ngay trong nội bộ một số ngành như điện, thép.

Toan canh loi nhuan quy III cua cac doanh nghiep niem yet
Lợi nhuận quý III của các doanh nghiệp thuộc nhóm thép dẹt (tôn, mạ) như Hoa Sen hay Nam Kim cũng không mấy khả quan. Ảnh: Quý Hòa

Những cổ phiếu của doanh nghiệp làm ăn rất tốt nhưng thị giá suy giảm

Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng ấn tượng nhất so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, thị giá không tăng, thậm chí có cổ phiếu giảm sâu đến gần 4%.

Cổ phiếu nhóm ngành dầu khí như GAS có lợi nhuận tăng 50%, PGD tăng 24%, BRS tăng 32% mà thị giá vẫn giảm. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng "ngược dòng" này do kết quả kinh doanh chỉ phần nào phản ánh thị giá của cổ phiếu, chủ yếu do xu thế chung của thị trường. Các cổ phiếu nhóm ngành ngân hàng, dầu khí là nhóm cổ phiếu chu kỳ, đầu cơ ngắn hạn nên việc đầu tư vào nhóm này mang tính rủi ro cao.

Không phải cứ cơ bản tốt, lợi nhuận cao là thị giá cổ phiếu sẽ tăng mà đôi khi còn phụ thuộc rất lớn vào xu hướng thị trường và thanh khoản của chính cổ phiếu đó. Tuy nhiên, bức tranh trên mới là của 326/759 doanh nghiệp đã niêm yết, khoảng 42%.

Trong kỳ công bố quý III này, các báo cáo không cần kiểm toán nên tính chính xác của báo cáo phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp niêm yết. Màu sáng, tối của bức tranh có thể có những thay đổi khi 100% doanh nghiệp niêm yết công bố sau ngày 30.10 tới.

Nguồn VTV