Toàn cảnh lợi nhuận ngân hàng năm 2018
Lợi nhuận tăng trưởng mạnh
Đây là năm thứ 3 liên tiếp lợi nhuận chung của ngành ngân hàng tăng trưởng trên 30%. Với tổng lợi nhuận gần 70 ngàn tỷ (gồm 17 ngân hàng niêm yết và OCB). Lợi nhuận của phần 6 tháng cuối năm của các ngân hàng nhìn chung thấp hơn khoảng -10% so với 6 tháng đầu năm. Ngoài nguồn thu chính từ tín dụng, lợi nhuận nhiều ngân hàng đến từ hoàn nhập dự phòng hay các nguồn thu từ hoạt động đầu tư, dịch vụ ngoài lãi như trái phiếu doanh nghiệp, bancassurance, tài chính tiêu dùng chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong thu nhập.
Với những năm tước, việc được thúc tăng trưởng tín dụng giúp cho các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc thực hiện kế hoạch. Trong khi năm nay sau khi dự phóng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP thì chính phủ đã nghiêng về chính sách ổn định tiền tệ trong đó mục tiêu lớn nhất là ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỷ giá. Với việc giữ mức tăng trưởng tín dụng quanh mức 14% từ 2018 – 2019, NHNN đã phát tín hiệu đến các ngân hàng thương mại sẽ phải tập trung cơ cấu hoạt động cung cấp dòng vốn ngắn hạn và cho vay vốn lưu động còn dòng vốn dài hạn sẽ định hướng phát triển sang thị trường chứng khoán nơi mà thị trường cổ phiếu và trái phiếu sẽ được ưu tiên đẩy mạnh.
Vì lý do này mà lợi nhuận ngân hàng năm nay đã không còn bứt phá như năm trước đó. Cách thức kiếm lợi nhuận của các ngân hàng cũng rất đa dạng và đã giảm bớt sự phụ thuộc tuyệt đối vào hoạt động thu lãi từ cho vay. Tăng trưởng lợi nhuận tốt nhất trong các cổ phiếu ngân hàng năm nay đến từ VCB, MBB, ACB, VIB, TPB, HDB, TCB và OCB với mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình gần gấp đôi so với năm trước đó.
Hai ngân hàng nổi bật nhất trong năm 2018 vừa qua gồm có: VCB đạt lợi nhuận 14.6 ngàn tỉ đồng ( tăng 61,1%) – là ngân hàng đứng đầu hệ thống với ba thế mạnh về bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và đầu tư, VCB đã tập trung phát triển mạnh tín dụng ở các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, thương mại và tăng cường huy động vốn giá rẻ giúp ngân hàng giảm chi phí hoạt động. Với tỷ lệ tiền gởi không kỳ hạn ở mức cao (28%) giúp giảm chi phí vốn - VCB nằm trong nhóm những ngân hàng có tỷ lệ này cao nhất. Sau đó là TCB, khi ngân hàng này báo cáo lợi nhuận vượt lên vị trí thứ hai với 8,463 tỷ đồng – tăng hơn 31%. TCB cũng vượt qua BID, CTG, VPB là những ngân hàng đứng trong top 3 năm trước. Về vốn chủ sở hữu, từ một ngân hàng chỉ đứng ở top 6 và ngang bằng với nhóm ngân hàng thương mại ACB, STB thì năm nay TCB đã tăng vốn chủ sở hữu gần gấp đôi và gần với nhóm ngân hàng có vốn cổ phần nhà nước là VCB, BID, CTG.
Cơ cấu lợi nhuận
Điểm qua hoạt động của vài ngân hàng có thể nhận thấy nguồn thu chính của các ngân hàng vẫn là thu nhập lãi thuần với tỷ trọng chiếm khoảng 75%, giảm xuống khá mạnh so với mức 82% năm 2015. Trong ít nhất vài năm tới hoạt động cho vay vẫn là lĩnh vực cạnh tranh chính và thu lợi nhuận cốt lõi của các ngân hàng.
Đặc điểm chung của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang chuyển mình mạnh mẽ, các lĩnh vực xây dựng, sản xuất và các start up ra đời liên tục đòi hỏi một nguồn vốn rất lớn. Tình trạng thiếu vốn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài vì vậy các ngân hàng vẫn sẽ tận dụng phát triển thế mạnh này để phát triển. Bên cạnh đó hoạt động bán lẻ của các ngân hàng cũng sẽ phát triển mạnh. Trong năm nay doanh thu lãi thuần chỉ tăng 15 trong khi các nguồn thu khác như dịch vụ, ngoại hối … tăng trưởng đến trên 25%. Ngay cả những ngân hàng lớn như VCB cũng đã đi sâu phát triển mạnh thị trường bán lẻ vốn là thế mạnh của các ngân hàng thương mại tư nhân.
Loại hình bancassurance cũng phát triển ở mức trên hai con số qua mỗi năm. Tỷ trọng doanh thu bảo hiểm qua kênh ngân hàng đã tăng từ 5% năm 2012 lên hơn 20% năm nay. Đây là hoạt động dịch vụ mà các ngân hàng đang cố gắng đẩy mạnh để nhanh chóng có thị phần. Hiện vẫn còn khoảng 18/35 ngân hàng chưa ký các hợp đồng hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ. Vừa qua có thêm các gương mặt mới giữa Vietinbank với Aviva, Kiên Long bank với AIA vào đầu năm 2019.
Nợ xấu năm 2018 của các ngân hàng niêm yết theo giá trị tuyệt đối 73 ngàn tỷ đồng, tăng 10% so với 2017. Riêng nợ nhóm 5 chiếm gần 42 ngàn tỷ đồng, tăng đến 25% so với cùng kỳ – chiếm 57% nợ xấu. Nợ xấu nội bảng tăng lên một phần là từ các ngân hàng chủ động mua lại trái phiếu từ VAMC.
Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao trên 2% đến từ các ngân hàng có mô hình cho vay tiêu dùng phát triển mạnh như VPB (3.51%) hay VIB (2.52%). STB đã giảm được tỷ lệ nợ xấu từ 4.7% năm ngoái còn 2.1% năm nay là một nỗ lực lớn trong quá trình xử lý nợ xấu.
Kết thúc năm 2018 đã có 7 ngân hàng mua lại nợ xấu VAMC bao gồm VCB, TCB, ACB, MBB, VIB, CTG, OCB và sắp tới sẽ có thêm vài ngân hàng mua lại hết nợ xấu và tiến hành trích lập dự phòng.
Dự báo trong năm 2019, hoạt động tăng vốn sẽ tiếp tục diễn ra ở các ngân hàng trong khi chi phí nhìn chung sẽ tăng lên do lãi suất huy động vốn tăng cùng hàng loạt chi phí nâng cấp, trang bị hệ thống công nghệ mới. Chưa kể các ngân hàng tiếp tục quản lý nợ xấu tốt hơn để đảm bảo chất lượng tài sản được nâng cao. Vì vậy lợi nhuận chung của ngành ngân hàng sẽ chậm lại so với 2018 và EPS sẽ ở mức trung bình 2.300 – 2.500đ/cổ phiếu.
(*) Trưởng Phòng phân Tích Công ty Cổ phần chứng khoán Quốc tế Việt Nam.