Thứ Năm | 14/03/2013 17:21

Tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt sẽ bắt buộc phải hợp nhất, sáp nhập

NHNN vừa ban hành Thông tư 07 quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, có hiệu lực thi hành từ ngày 27/4/2013.
Theo Thông tư, kiểm soát đặc biệt là việc một tổ chức tín dụng (TCTD) bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) do có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động.

Căn cứ vào thực trạng tài chính, mức độ rủi ro và vi phạm pháp luật của TCTD, NHNN sẽ quyết định đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt dưới hình thức giám sát đặc biệt hay kiểm soát toàn diện.

Giám sát đặc biệt là NHNN sẽ áp dụng các biện pháp giám sát hàng ngày với TCTD. Kiểm soát toàn diện là NHNN sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát trực tiếp, toàn diện hoạt động hàng ngày của TCTD.

Ngân hàng Nhà nước có quyền mua cổ phần của TCTD bị kiểm soát đặc biệt

Trong trường hợp TCTD bị đặt trong diện kiểm soát đặc biệt, NHNN có quyền yêu cầu chủ sở hữu TCTD đó thực hiện tăng vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực của vốn điều lệ không thấp hơn vốn pháp định, đảm bảo các tỷ lệ an toàn hoạt động trong 1 thời gian cụ thể; hoặc yêu cầu chủ sở hữu TCTD bị kiểm soát đặc biệt xây dựng, trình NHNN kế hoạch tái cơ cấu hoặc bắt buộc sáp nhập, hợp nhất, mua lại với các TCTD khác trong trường hợp TCTD đó không thể tăng được vốn điều lệ theo yêu cầu trong thời gian NHNN giao.

Đồng thời, NHNN có quyền thực hiện hoặc chỉ định TCTD khác thực hiện việc tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD được kiểm soát đặc biệt trong trường hợp TCTD không thể thực hiện được yêu cầu tăng vốn hoặc khi NHNN xác định số lỗ lũy kế của TCTD được kiểm soát đặc biệt ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất và việc chấm dứt hoạt động của TCTD được kiểm soát đặc biệt để gây mất an toàn hệ thống TCTD.

Trước đó, phương châm của NHNN trong việc xử lý TCTD yếu kém là tạo điều kiện cho TCTD này sáp nhập, hợp nhất trên nguyên tắc tự nguyện và quy định của pháp luật.

Thời gian kiểm soát đặc biệt là từ khi NHNN có quyết định đặt tổ chức tín dụng vào tình trạng kiểm soát đặc biệt đến khi có quyết định chấm dứt.

Khi tổ chức tín dụng thiếu nhân sự có thẩm quyền xử lý các công việc liên quan đến kiểm soát đặc biệt, Thống đốc sẽ chỉ định người đại diện TCTD, là cán bộ của NHNN, TCTD, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Thành lập Ban kiểm soát đặc biệt

Thống đốc NHNH sẽ quyết định thành phần, số lượng và cơ cấu Ban kiểm soát đặc biệt. Thành viên của Ban kiểm soát đặc biệt là cán bộ của NHNN, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, các chuyên gia ngân hàng, cán bộ của TCTD.

Thành viên Ban kiểm soát đặc biệt không được là người có liên quan với thành viên HĐQT, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và cổ đông lớn của TCTD bị kiểm soát đặc biệt.

Ban kiểm soát đặc biệt có quyền yêu cầu TCTD kiểm kê toàn bộ tài sản hiện có hoặc thuê tổ chức kiểm toán độc lập, cơ quan chuyên môn đánh giá thực trạng tài chính, định giá tài sản và xác định giá trị doanh nghiệp của TCTD.

Ban Kiểm soát cũng có quyền yêu cầu TCTD mời hoặc trực tiếp mời các khách nợ, chủ nợ đến đối chiếu công nợ với TCTD bị kiểm soát đặc biệt để xác định khả năng thu nợ, trả nợ.

Ban này sẽ có trách nhiệm xây dựng, trình Thống đốc NHNN phê duyệt phương án tham gia góp vốn, mua cổ phần của TCTD bị kiểm soát đặc biệt.

Khi bị kiểm soát đặc biệt, TCTD phải xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động theo yêu cầu của Ban kiểm soát đặc biệt.

Phương án bao gồm các nội dung như thực trạng tài chính và hoạt động của TCTD (nêu rõ khó khăn, yếu kém, rủi ro...); nguyên nhân TCTD bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt.

Ngoài ra, phương án phải đưa ra các biện pháp giải quyết khó khăn và kế hoạch tăng cường khả năng chi trả; huy động vốn bên ngoài; tiết giảm chi phí; khắc phục các yếu kém, tổn thất tài chính từ nguồn vốn chủ sở hữu; bán tài sản hoặc toàn bộ TCTD cho TCTD khác, các nhà đầu tư tiềm năng, sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác....

Nguồn Khampha


Sự kiện