Tổ chức nước ngoài chưa được phép xử lý nợ xấu tại Việt Nam
Ngày 17-6, tại cuộc họp báo gặp gỡ với Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), ông Tekehiko Nakao cho biết, ADB có thể mua cổ phần của ngân hàng để bơm thêm tiền vào ngân hàng có nợ xấu cao. Cách làm này đã được các quốc gia khác sử dụng, thậm chí họ còn có lợi nhuận vì sau một thời gian mua cổ phần, hoạt động kinh doanh hồi phục nên giá cổ phiếu doanh nghiệp tăng lên.
Với vấn đề giải quyết nợ xấu, trong cuộc trao đổi cách đây không lâu, ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã chia sẻ, có nhiều tổ chức nước ngoài bày tỏ mong muốn mua lại nợ xấu của Việt Nam, nhưng hiện vẫn chưa có hành lang pháp lý cho việc mua bán này nên vẫn dừng lại ở giai đoạn khảo sát, nghiên cứu mà chưa đi tới đặt vấn đề chính thức.
Như vậy, kế hoạch của ADB hay các tổ chức nước ngoài muốn góp phần xử lý nợ xấu của Việt Nam là một thiện chí tốt. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thiện chí này sẽ khó thực hiện bởi mấu chốt của quá trình xử lý nợ xấu chính là tài sản đảm bảo. Tài sản đảm bảo phải có tính thanh khoản cao thì việc thanh lý sẽ dễ dàng hơn, nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn.
Trên thực tế, tài sản đảm bảo của khách hàng khi đi vay vốn tại ngân hàng thường dùng bằng bất động sản. Tuy nhiên, thị trường bất động sản của Việt Nam lên xuống thất thường, có thể bị mất giá một cách nhanh chóng. Thậm chí, một chuyên gia về tài chính cho biết, khách hàng và doanh nghiệp có thể móc nối với nhau để “thổi” giá lên gấp nhiều lần giá trị thật, hoặc một tài sản có thể dùng thế chấp nhiều lần vay nợ, nên khi vướng vào nợ xấu, ngân hàng không thể lấy khối tài sản này để bù đắp.
Bên cạnh đó, TS. Hiếu còn cho biết, vấn đề chuyển nhượng tài sản cho một pháp nhân nước ngoài như ADB tại Việt Nam còn nhiều hạn chế. Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống pháp lý nào đầy đủ cho phép chuyển nhượng tài sản là công sản của thị trường trong nước cho đối tượng nước ngoài.
“Quy trình xử lý tài sản đảm bảo cũng như nợ xấu ngay trong bản thân các ngân hàng Việt Nam vẫn còn nhiều lúng túng, nên việc tham gia của tổ chức nước ngoài nếu chưa có biện pháp quản lý chặt chẽ thì càng khó có thể thực hiện”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Nhìn chung, trong nhiều cuộc hội thảo bàn về biện pháp giải quyết nợ xấu, các chuyên gia đều “khẩn thiết” đưa ra đề nghị và mong muốn xây dựng được hành lang pháp lý hoàn chỉnh, trong đó có các điều khoản về thanh lý tài sản đảm bảo hay luật về phá sản.
Mới đây, trong buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nêu yêu cầu phải nhanh chóng đưa ra các giải pháp phát triển thị trường mua bán nợ xấu, ban hành các văn bản liên quan tới xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo…
Như vậy, phải cần một thời gian nữa, với những chuyển biến tích cực về mặt pháp lý và cơ chế xử lý nợ xấu, hoạt động này mới có thể có những đổi thay. Đến lúc đó, hy vọng rằng, lời phát biểu của vị Chủ tịch ADB sẽ được thực thi hiệu quả.
Nguồn Báo hải quan