Chủ Nhật | 02/03/2014 12:35

Tình hình Mỹ và Ukraine khiến giá dầu tiếp tục tăng

.
Sau khi đi lên trong tuần trước nữa, thị trường dầu mỏ thế giới vẫn tiếp tục xu hướng này trong phần lớn các phiên tuần qua, do nhà đầu tư "đặt cược" vào nhu cầu tiêu thụ cao hơn tại Mỹ, trong khi lờ đi những số liệu kinh tế yếu kém gần đây tại cường quốc tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới này.

Giá dầu đi lên ngay từ đầu tuần do tác động bởi những xung đột chính trị tại Ukraine và một số quốc gia sản xuất dầu mỏ khác, cũng như thời tiết giá lạnh bất thường lại quay trở lại trên phần lớn lãnh thổ nước Mỹ.

Tiếp tục vì những ảnh hưởng này cho đến giữa tuần, nhờ số liệu cho biết nguồn cung dầu thô tại Mỹ trong tuần chỉ tăng thêm có 100.000 thùng, thấp hơn rất nhiều so với dự báo của giới chuyên gia.

Tuy có những lúc trồi sụt trên các thị trường khác nhau, song nhìn chung giá dầu vẫn giữ được xu thế đi lên là chủ đạo trong hai phiên cuối tuần. Kéo giá dầu có lúc đi xuống là những lo ngại về các số liệu kinh tế yếu kém của Mỹ, trong đó theo báo cáo công bố ngày thứ Năm (26/2) của Bộ Thương mại Mỹ, lượng người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước nữa (kết thúc ngày 21/2) đã tăng cao hơn khá nhiều so với mức dự kiến của giới chuyên gia, trong khi lượng đơn đặt hàng lâu bền tháng 1/2014 cũng sụt giảm 1,0%, nối dài đà sụt giảm từ tháng 12/2013 trước đó. Đây là những số liệu yếu kém mới nhất của nền kinh tế Mỹ, tiếp theo một loạt những số liệu đáng thất vọng đã được công bố trước đó.

Tuy nhiên, bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen về nền kinh tế Mỹ tại phiên điều trần trước Ủy ban Thượng viện vào ngày 27/2 dù không chứa đựng những thông tin bất ngờ, song cũng làm nhà đầu tư phần nào an lòng và giúp hỗ trợ cho thị trường.

Giá dầu lại tiếp tục được đẩy lên cao hơn trên cả thị trường Mỹ và châu Âu trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/2, sau khi đã giảm sâu trên thị trường châu Á trước đó. Nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng lên là do đồng bạc xanh yếu đi sau khi Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã điều chỉnh giảm mạnh dự báo tăng trưởng GDP quý 4/2013 của nền kinh tế lớn nhất thế giới từ mức 3,2% xuống còn 2,4%. Ngoài ra, nhà đầu tư còn lo ngại về sự mất giá của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc khi đồng tiền này đã tụt xuống mức thấp nhất trong tám tháng so với đồng USD, làm dấy lên quan ngại về khả năng thương mại sụt giảm tại nền kinh tế tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này.

Nhà đầu tư còn lo ngại về tình hình tại Ukraine, quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn ở châu Âu, khi căng thẳng leo thang tại đây có thể biến thành một cuộc khủng hoảng địa chính trị với sự can dự của những cường quốc kinh tế và năng lượng lớn. Ukraine còn là tuyến đường trung chuyển quan trọng cho năng lượng xuất khẩu của Nga (với trên 70% dầu mỏ và khí đốt của Nga xuất sang châu Âu là đi quan lãnh thổ Ukraine), trong khi châu Âu mua tới gần 90% lượng dầu xuất khẩu của Nga.

Đóng cửa phiên 28/2 trên sàn giao dịch New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ giao tháng 4/2014 tăng 19 xu Mỹ lên chốt tuần ở mức 102,59 USD/thùng, cao hơn mức chốt của cuối tuần trước nữa là 102,05 USD/thùng. Còn tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ cũng tăng nhẹ 11 xu Mỹ lên chốt tuần ở mức 109,07 USD/thùng, thấp hơn một chút só với mức chốt của cuối tuần trước nữa là 109,64 USD/thùng.

Tính chung trong cả tháng Hai, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ tăng tổng cộng 5,2% trong khi giá dầu Brent tăng 2,3%.

Tuy nhiên, nhà phân tích Chee Tat Tan, thuộc Phillip Futures, nhận định giá dầu Brent vẫn sẽ được hỗ trợ nhờ tình hình căng thẳng địa chính trị tại các nước sản xuất dầu mỏ như Venezuela, Libya, Nam Sudan và một số nước khác. Nhà phân tích này dự đoán vào cuối tuần tới, giá dầu Brent sẽ dao động từ 105,20-113 USD/thùng, giá dầu ngọt nhẹ sẽ dao động từ 98-103,80 USD/thùng và khoảng cách chênh lệch về giá giữa hai mặt hàng này là từ 7-10 USD./.

Nguồn Vietnamplus


Sự kiện