Đinh Thủy Thứ Hai | 02/07/2018 14:00

Tình hình kinh doanh của 3 ông bầu bóng đá

Theo thông tin tại Đại hội đồng cổ đông năm nay (23.6), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sẽ tiếp tục dồn sức cho mảng chủ chốt là ngành trồng cây ăn trái.

Vì sao HAGL kỳ vọng vào trái cây hơn bò và bất động sản?

Hoàng Anh Gia Lai: Giữ thăng bằng trên dây nợ


Từ Hoàng Anh Gia Lai của Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Đồng Tâm Group của Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) đến T&T của Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) đều có những bước chuyển đổi đáng chú ý trong thời gian gần đây.

HAGL đặt cược vào trái cây

Theo thông tin tại Đại hội đồng cổ đông năm nay (23.6), Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) sẽ tiếp tục dồn sức cho mảng chủ chốt là ngành trồng cây ăn trái. Năm nay, HAGL dự kiến doanh thu từ mảng này sẽ tăng hơn 2,4 lần năm ngoái, ước đạt gần 4.000 tỉ đồng. Doanh thu trái cây sẽ chiếm 64% tổng doanh thu kế hoạch đề ra năm 2018 của HAGL, vượt trội hơn con số 33,3% của năm ngoái. 

Như vậy, so với khởi đầu chuyên về sản xuất gỗ và sau đó phát triển bất động sản, thủy điện, mía đường thì chiến lược bây giờ của HAGL đã đổi khác với ưu tiên là ngành trồng cây ăn trái. Nhưng khó khăn cho HAGL trong mảng trồng trọt là câu chuyện đầu ra thị trường. Hiện thị trường tiêu thụ cây ăn trái chính cho HAGL là Trung Quốc, với mức tiêu thụ bình quân 200 tấn chuối/ngày. Nhưng Trung Quốc là thị trường có nhiều biến động và khó lường, khiến HAGL sẽ dễ gặp rủi ro.

Tinh hinh kinh doanh cua 3 ong bau bong da
 



Khó khăn khác cho HAGL liên quan đến bài toán đầu tư kho bãi, bảo quản trái cây. Hiện tại, HAGL đã đầu tư 83 kho lạnh, trên diện tích hơn 13.500m2. Theo tính toán từ Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), chi phí đầu tư kho lạnh tùy vùng miền mà ở mức 1,5-2,5 triệu đồng/m2. Nhưng kho bãi này mới chỉ có khả năng chứa khoảng 10.000-12.000 tấn chuối. HAGL vẫn cần phải đầu tư thêm vì tổng sản lượng chuối ước thu hoạch trong năm nay là hơn 106.000 tấn. Đó là chưa kể đến việc bảo quản các loại trái cây khác.  

Tất cả đều cần đến nguồn vốn dồi dào. Nhưng HAGL lại đang có những khó khăn về tài chính. Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2017, dù tổng nợ có giảm nhưng mức vay ngắn hạn, dài hạn của HAGL vẫn còn hơn 22.800 tỉ đồng. Điều này tạo ra gánh nặng lãi vay cho HAGL. 

Dự tính, để cơ cấu lại nguồn vốn và đầu tư cho năm 2018,  HAGL sẽ huy động hơn 2.200 tỉ đồng từ phát hành trái phiếu chuyển đổi, do Công ty con của HAGL là Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) phát hành. Nhưng giá cổ phiếu của HNG trong vòng 1 tháng qua đều dưới mệnh giá. Vì thế, HAGL dự trù nếu không bán hết, Công ty sẽ ủy quyền cho Hội đồng Quản trị chào bán trái phiếu dư ra này cho nhà đầu tư khác.

Vấn đề gây lo ngại là kế hoạch kinh doanh năm 2018 của HNG, đơn vị đóng góp cho mảng nông nghiệp của HAGL, lại có điểm khác biệt so với con số đưa ra bởi HAGL. Ví dụ, trong khi HNG đặt mục tiêu doanh thu từ chanh dây năm 2018 chỉ khoảng 85 tỉ đồng, thì con số này ở HAGL là 665 tỉ đồng... Với sự khác biệt này, giới đầu tư chưa tin tưởng lắm vào khả năng hoàn thành kế hoạch của HAGL. Ngoài ra năm ngoái, HAGL cũng chỉ đạt 64% kế hoạch doanh thu đề ra.

Tinh hinh kinh doanh cua 3 ong bau bong da
 



Đối với mảng cao su, HAGL chỉ đặt mục tiêu doanh thu cao su ước góp 8% vào tổng doanh thu năm 2018. Còn các nguồn thu từ cho thuê dịch vụ ở Khu phức hợp Myanmar và bán căn hộ không kỳ vọng nhiều. Trong báo cáo thường niên mới đây, Công ty còn đặt kế hoạch tái cơ cấu, đầu tư giai đoạn 2 vào dự án bất động sản ở  Myanmar, chủ yếu cho mục đích chuyển nhượng dự án này.

Với một bức tranh kinh doanh còn nhiều khó khăn và nghi ngại, giá cổ phiếu HAG của tập đoàn này đã về dưới 5.000 đồng/cổ phiếu khoảng 1 tháng nay. Giới phân tích cho rằng, bầu Đức sẽ còn gian nan trong bài toán đưa HAGL trở lại thời kỳ tươi sáng trước đây.

Đồng Tâm đa ngành

Đồng Tâm Group của bầu Thắng là doanh nghiệp chưa niêm yết nên các thông tin còn chưa  cập nhật. Mặc dù vậy, căn cứ vào các thông tin công bố gần đây, khi đứng trước lựa chọn hoặc ở lại với Đồng Tâm hoặc từ bỏ Đồng Tâm để yên vị Chủ tịch Kienlongbank như quy định yêu cầu, bầu Thắng đã chọn đứng bên Đồng Tâm.

Theo ông Thắng, Kienlongbank giờ đã được nâng cấp hiện đại, với công nghệ, chất lượng hoạt động, dịch vụ đều đã cải thiện, tình hình  kinh doanh và tổng tài sản đều tăng mạnh, tín dụng tăng trưởng 21%/năm, nợ xấu kiểm soát chặt chẽ... Đặc biệt, tháng 6 năm ngoái, cổ phiếu KLP của Kienlongbank đã lên sàn UPCoM. Vì thế, ông Thắng yên tâm rút lui khỏi Kienlongbank. Mặc dù vậy, ông vẫn giữ vị trí cố vấn cho Ngân hàng và con trai ông Thắng là ông Võ Quốc Lợi vẫn đang sở hữu 4,68% vốn điều lệ ở Kienlongbank.

Ông Thắng hướng tập trung vào Đồng Tâm Group vì đây là công ty của gia đình. Lĩnh vực vật liệu xây dựng cũng là thế mạnh của Đồng Tâm. Suốt 49 năm phát triển, diện mạo Đồng Tâm đã thay đổi nhiều. Ngoài gạch bông truyền thống thì Đồng Tâm giờ đã tiến sâu vào sản xuất vật liệu xây dựng trang trí nội thất (gạch men, sơn nước, bột trét, xi măng, cọc bê tông, cửa...).

Bên cạnh đó, Công ty mở rộng kinh doanh khu công nghiệp, cảng biển, logistics, dịch vụ bất động sản... Theo báo cáo thường niên gần nhất, ở các lĩnh vực mới, Đồng Tâm tham gia chủ yếu theo hình thức liên doanh liên kết, như đầu tư nắm giữ 45% vốn điều lệ ở Cảng Long An, 45% ở Khu công nghiệp Long An,  khoảng 44,5% ở Công ty Sứ Thiên Thanh… Riêng lĩnh vực bất động sản, Đồng Tâm đầu tư chi phối ở Yamato, Đồng Tâm Quảng Ngãi và mới đây nhất là tham gia lập Công ty Phát triển Nhà Đồng Tâm (2.2018). 

Từ 2 năm trước, doanh thu của Đồng Tâm Group đã hơn 1.800 tỉ đồng, còn lãi ròng đạt 232 tỉ đồng. Sang năm 2017, Đồng Tâm định hướng doanh thu  thuần đạt 1.850 tỉ đồng; lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ, còn 202 tỉ đồng. Con số kinh doanh chính thức chưa được phía Đồng Tâm công bố nhưng với một loạt sự kiện trong năm qua như Đồng Tâm đón tàu đầu tiên cập Cảng quốc tế Long An, Công ty đầu tư liên kết vào Sứ Thiên Thanh, khởi công Khu công nghiệp Cảng Long An (trong khuôn viên 1.930ha) và đưa vào vận hành nhà máy sản xuất cọc bê tông ly tâm tại Long An..., có thể đoán bức tranh kinh doanh năm 2017 cũng như những năm sau của Đồng Tâm có nhiều triển vọng.

Tinh hinh kinh doanh cua 3 ong bau bong da
 


Triển vọng còn ở năng lực sản xuất với 8 nhà máy cũng như khả năng mở rộng kênh phân phối với 2.500 cửa hàng cộng tác, 44 showroom và kho hàng khắp cả nước. 
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), ngành vật liệu xây dựng mà Đồng Tâm đang dấn bước là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng tăng trưởng, do số lượng các dự án công trình xây dựng tăng mạnh và do Chính phủ đang bảo hộ cho ngành khi áp dụng thuế nhập khẩu gạch từ 15-35%. Nhờ đó, tỉ trọng gạch ngoại nhập chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 35% thị trường, tạo cơ hội cho các công ty Việt Nam như Đồng Tâm. 

Với mảng bất động sản, Khu công nghiệp và cảng biển ở Long An, phía Đồng Tâm cũng có nhiều thúc đẩy để gia tăng giá trị. Công ty Chứng khoán FPT (FPTS) cho rằng, cảng là ngành có tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cao, được nước ngoài đầu tư mạnh và Cảng quốc tế Long An là cửa ngõ để hàng hóa ở Long An cũng như các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi quốc tế. 

Tham vọng của T&T Group
T&T Group tăng cường M&A, khi liên tiếp xuất hiện trong vai trò là cổ đông chiến lược của hàng loạt doanh nghiệp nhà nước như Cảng Quảng Ninh, Bệnh viện Giao thông vận tải, Bia Việt Hà, Tổng Công ty Vật tư Nông nghiệp (Vigecam), Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Tổng Công ty Rau quả, Nông sản (Vegetexco), Công ty Xuất nhập khẩu và Đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội), Vinafood 2...

Đáng chú ý, rất nhiều đơn vị trong số này là những công ty nông nghiệp như Vigecam, Vinafor, Vegetexco, Unimex, Vinafood 2... Thống kê sơ bộ, số vốn mà bầu Hiển rót vào những doanh nghiệp ngành nông nghiệp lên đến nhiều ngàn tỉ đồng. 

Không dừng lại đó, cuối tháng 1.2018, T&T lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Phát triển Nông nghiệp Cuộc sống xanh T&T (thương hiệu T.Vita). Ông Hiển mong muốn, việc xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sẽ giúp thay đổi căn bản nền nông nghiệp manh mún hiện tại của Việt Nam theo hướng bền vững.

Động thái của Đỗ Quang Hiển và T&T còn giống với Vingroup ở chỗ,  T&T còn tìm cách xây dựng chuỗi siêu thị Qmart tại Hà Nội, với 4 siêu thị đã hình thành. Lĩnh vực T&T đầu tư còn là bất động sản - xây dựng, với một loạt hoạt động M&A đầu tư vào 584 Lilama SHB, Công ty Best &T, Công ty T&T - MCK... 

Tinh hinh kinh doanh cua 3 ong bau bong da

Ngoài ra, Công ty tham gia đầu tư khu tổ hợp chung cư T&T Riverview tại Hà Nội, T&T Victoria tại Vinh hay Đầu tư Khu nhà ở thấp tầng gần 21ha T&T Long Hậu (Long An). Đặc biệt, T&T Land còn nắm trong tay nhiều dự án bất động sản khác khắp cả nước như trung tâm thương mại, căn hộ cao cấp (Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình), Khu đô thị phức hợp Sóng Việt (Khu đô thị Thủ Thiêm), dự án khách sạn T&T (Đà Nẵng), Khu đô thị Điện Bàn (400ha ở Quảng Nam), dự án Tân Dân (152ha ở Thanh Hóa)...

Đầu năm 2017, T&T Group cũng đã được Hà Nội giao xây dựng bãi đỗ xe ngầm và quản lý, sử dụng, đầu tư sửa chữa, vận hành sân vận động Hàng Đẫy. T&T cũng tham gia vào lĩnh vực tài chính (Ngân hàng SHB, Công ty Chứng khoán SHS, Công ty Bảo hiểm BSH), thủy sản (Công ty Bình An), thể thao…

Bầu Hiển còn tham gia vào đầu tư hạ tầng khi T&T cùng Tập đoàn Boskalis (Hà Lan) ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực cảng biển (2.2018). Sang tháng 4 năm nay, T&T đã bắt tay với Bouygues (Pháp) để cùng triển khai xây dựng tuyến đường sắt trên cao (Metro) với vốn đầu tư dự kiến 1,4 tỉ euro, có khả năng lăn bánh từ năm 2025. 

Dự án này sẽ đầu tư theo hình thức đối tác công - tư PPP, hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Trong đó, chính quyền Hà Nội đầu tư thiết bị như mua tàu, toa xe… và quản lý vận hành, khai thác kinh doanh. Nhà đầu tư như  T&T đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà ga, đường ray, công trình nổi, ngầm... Gần đây, T&T Group và Tập đoàn Hitachi Zosen (Nhật) còn trao bản ghi nhớ hợp tác đầu tư các dự án đốt rác phát điện tại Hà Nội, trị giá 200 triệu USD.

Với một loạt hoạt động M&A và đầu tư đa ngành, với nhiều đơn vị  trong và ngoài nước cũng như nắm giữ nhiều tài sản lớn, T&T Group của bầu Hiển được xem là một trong những công ty tư nhân thế lực nhất tại Việt Nam hiện nay