Tính đến cuối tháng 8, tín dụng tăng 6,45%
Tín dụng phục hồi tích cực
Theo đó, đến cuối tháng 8/2013, tín dụng đã tăng 6,45% so với cuối năm 2012. Trong đó, tín dụng bằng VND tăng 10,4%; tín dụng ngoại tệ giảm 11,55%, phù hợp với chủ trương chống "đô la hóa" nền kinh tế.
Cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Trong đó, vốn tín dụng ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến xuất khẩu lúa gạo và thủy sản là những sản phẩm có thế mạnh của nước ta, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và mang lại nguồn ngoại tệ đáng kể cho đất nước.
Cụ thể đến cuối tháng 6/2013, tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 10,69%, xuất khẩu tăng 3,62%, công nghiệp hỗ trợ tăng 2,68%, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 12,49% so với cuối năm 2012.
Bên cạnh đó, cho vay hỗ trợ nhà ở được triển khai tích cực nhưng do một số khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời nên số tiền giải ngân chương trình này còn hạn chế.
Tính đến 31/8/2013, 5 NHTM Nhà nước đã cam kết cho vay 331 khách hàng cá nhân với số tiền là 105,32 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân cho 305 khách hàng với dư nợ 64,9 tỷ đồng; ký hợp đồng tín dụng với 2 khách hàng là DN với số tiền 658 tỷ đồng, đã giải ngân cho 1 khách hàng với số tiền là 34,3 tỷ đồng.
Mặt bằng lãi suất giảm
Cũng theo NHNN, đến cuối tháng 8/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,16% so với cuối năm 2012, phù hợp với định hướng từ 14-16% cho cả năm 2013.
Huy động vốn tăng 10,49% so với cuối năm 2012; trong đó huy động vốn bằng VND tăng 11,04%, huy động vốn bằng ngoại tệ tăng 7,23%. Thanh khoản của hệ thống về cơ bản được đảm bảo giúp lãi suất diễn biến tích cực. Lãi suất liên ngân hàng duy trì ổn định ở mức thấp.
Đến nay, trần lãi suất huy động VND chỉ còn ở mức 7%/năm và chỉ áp dụng đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, trần lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 9%/năm.
NHNN tiếp tục điều hành chính sách lãi suất theo hướng giảm dần, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và đặc biệt là lạm phát để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.
Mặt bằng lãi suất VND trong 8 tháng đầu năm 2013 đã giảm khoảng 2-5%/năm so với đầu năm, trong đó lãi suất huy động giảm 2-3%/năm, lãi suất cho vay giảm 3-5%/năm và đã trở về mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Lãi suất của các khoản vay cũ cũng được các TCTD tích cực giảm.
Theo đó, đến cuối tháng 8/2013, tỷ trọng các khoản vay có lãi suất đến 13%/năm chiếm khoảng 74,97%, tăng 41,6% so với cuối năm 2012; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất từ 13-15%/năm chiếm khoảng 16,77%, giảm 29,3% so với cuối năm 2012; tỷ trọng các khoản vay có lãi suất trên 15%/năm chiếm khoảng 8,26%, giảm so với tỷ trọng 20,6% cuối năm 2012.
Nguồn Thời báo Ngân hàng