Tín nhiệm với trái phiếu quốc tế Việt Nam được cải thiện
Dấu hiệu tốt này là nhờ tình hình kinh tế vĩ mô có sự cải thiện trong nửa cuối năm (lạm phát ở 1 con số, tăng trưởng kinh tế cao hơn), dự trữ ngoại tệ tăng và cán cân thanh toán thặng dư.
Dự trữ ngoại tệ cao nhất kể từ 2005
Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam của ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 12, tổ chức này cho biết dự trữ ngoại hối của Việt Nam năm 2012 tương đương khoảng 2,3 tháng nhập khẩu (khoảng 23 tỷ USD), tăng mạnh so với mức 9 tỷ USD cuối năm 2011.
Bên cạnh đó, cán cân thanh toán quốc tế cũng được cải thiện, dự báo thặng dư 8 tỷ USD (theo báo cáo của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước), so với mức thặng dư khoảng 3 tỷ USD năm 2011. Việc thặng dư cán cân thanh toán tăng mạnh chủ yếu đến từ việc cán cân thương mại được cải thiện và dòng kiều hối đổ về lớn.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho hay, ước 11 tháng đầu năm 2012, cả nước xuất siêu 14 triệu USD. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, Việt Nam chứng kiến một sự thặng dư trong cán cân thương mại. Với kiều hối, nhiều nguồn tin cho biết năm nay kiều hối có thể tăng 20% và đạt khoảng 10 - 11 tỷ USD, cao hơn mức tăng trung bình 10-15% những năm gần đây.
Trong khi nguồn cung được cải thiện thì cầu ngoại tệ năm nay hạ nhiệt so với các năm trước. Lãi suất huy động VND hiện đang hấp dẫn hơn so với USD (chênh lệch từ 7-9%), trong khi áp lực lạm phát giảm góp phần làm giảm nhu cầu nắm giữ ngoại tệ. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến 19/10, huy động VND của các tổ chức tín dụng tăng 17,52% so với đầu năm, trong khi huy động bằng USD giảm tới 1,55%.
Tình hình doanh nghiệp gặp khó khăn trong năm 2012 khiến nhu cầu vay ngoại tệ giảm sút. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuối tháng 7 cho hay, trong khi dư nợ tín dụng bằng VND ước tăng 0,93% so với cuối năm 2011 thì dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ giảm tới 3,51%.
Ngoài ra, các biện pháp quản lý hành chính với thị trường ngoại tệ tự do cũng giúp ngăn chặn nhập lậu vàng cũng góp phần giảm đầu cơ ngoại tệ.
Việc dự trữ ngoại hối tăng cùng với thặng dư cán cân thanh toán lớn đã tạo điều kiện để tỷ giá trong nước ổn định.
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữ vững ở 20.828 đồng/USD. Tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), chiều ngày 18/12, tỷ giá VND/USD ở mức 20.865 đồng, thấp hơn trần tỷ giá 170 đồng và giảm 0,8% so với thời điểm cuối năm 2011. Trên thị trường tự do, giá USD cũng về sát với giá trong ngân hàng.
Sang năm 2013, các tổ chức quốc tế đều cho rằng giá trị đồng Việt Nam tiếp tục ổn định như năm 2012, với mức dao động từ 21.000 - 21.500 đồng/USD. Khảo sát mới đây của ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho thấy, thị trường tin tưởng vào sự ổn định của tỷ giá năm 2013, khi đa số ý kiến cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ điều chỉnh tỷ giá dưới 3% trong năm tới, thậm chí giữ nguyên ở mức như hiện nay.
Tỷ giá tiềm ẩn nhiều rủi ro từ thị trường vàng
Tuy nhiên, mục tiêu giữ tỷ giá ổn định vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là liên quan đến thị trường vàng. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, các ngân hàng thương mại đang cần tới 20 tấn vàng để tất toán cho khách hàng.
Một nguồn tin vào cuối tháng 10 cho biết, ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã xin phép ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng, sau khi lỗ từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối trong 9 tháng hơn 1.250 tỷ đồng và trạng thái âm vàng hơn 100.000 lượng. Ngoài ACB, hiện còn một số ngân hàng không thể tất toán vàng, khiến Ngân hàng Nhà nước phải gia hạn thời gian tất toán từ 25/11/2012 đến 30/6/2013.
Trước tình hình này, báo cáo của công ty chứng khoán Bản Việt nhận xét, tỷ giá sẽ ổn định vào khoảng 21.000 đồng/USD cho đến tháng 6/2013 với điều kiện "không có nhập khẩu vàng".
Bên cạnh đó, mặc dù dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng mạnh trong năm 2012, song đây vẫn là mức khá thấp so với các nước trong khu vực. Theo báo cáo của WB, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam hiện thấp nhất trong 10 nước Đông Á, điều này đòi hỏi cần có sự tích lũy hơn nữa để đảm bảo nguồn cung ngoại tệ.
Nguồn Khampha