Tín dụng vẫn chảy vào các “ông lớn”
Theo công bố của cơ quan quản lý, tăng trưởng tín dụng trong năm 2013 của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam đạt 12,51%. Tuy nhiên, theo Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, chỉ khoảng 15% số doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được với vốn ngân hàng.
Tín dụng vẫn tập trung chủ yếu ở DNNN và các tập đoàn lớn
Phản ánh từ phía các doanh nghiệp nhỏ không phải không có cơ sở. Tăng trưởng tín dụng của hệ thống các TCTD Việt Nam phụ thuộc nhiều vào một số ít các ngân hàng thương mại lớn do Nhà nước quản lý hoặc nắm giữ phần lớn cổ phần. Những ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV hay Vietcombank thường ưu tiên rót vốn vào những dự án lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc các đối tác lớn. Điều này như một thông lệ bất thành văn.
Theo báo cáo tài chính quí 4-2013, trong tổng dư nợ cho vay của VietinBank năm 2013, có tới gần 150.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vay, tương đương 40% tổng dư nợ. So với năm 2012, dư nợ cho vay dành cho doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước tại VietinBank tăng 31%, trong khi đó, tín dụng dành cho doanh nghiệp ngoài quốc doanh giảm nhẹ 3%.
Khoản vay dành cho phía DNNN của BIDV cũng lên tới 93.000 tỉ đồng, chiếm 24% dư nợ cho vay.
Ở Vietcombank, con số này lần lượt là 78.000 tỉ đồng và 28%.
Tại một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn, cho vay đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư của Nhà nước chiếm số lượng thấp hơn nhiều và tỷ trọng trong dư nợ cũng không cao.
Năm 2013, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (HNX: SHB) chỉ giải ngân chưa tới 15.000 tỉ đồng tín dụng cho các DNNN. Tương tự, Ngân hàng Quân đội (HOSE: MBB) cũng chỉ cho vay được 17.000 tỉ đồng tới các DNNN. Lượng tín dụng này chỉ chiếm khoảng 19% dư nợ cho vay của hai ngân hàng này. Techcombank chỉ giải ngân được 3.415 tỉ đồng tới khối quốc doanh, chiếm 5% dư nợ cho vay.
Những ngân hàng khác như ACB, Eximbank, Sacombank, tuy không phân loại chi tiết dư nợ cho vay của mình, nhưng số liệu các năm qua cho thấy lượng tín dụng rót vào khối quốc doanh của mỗi ngân hàng hàng năm rất thấp.
Đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, khối lượng tín dụng được giải ngân cũng chiếm tỷ lệ khá cao. Cho vay ngoài quốc doanh nhiều nhất trong năm 2013 là BIDV với trên 230.000 tỉ đồng, chiếm gần 60% dư nợ cho vay của ngân hàng này. Các con số này ở các ngân hàng khác: VietinBank 154.000 tỉ đồng, chiếm 41%; Vietcombank 60.000 tỉ đồng, chiếm 20%; MBB 55.000 tỉ đồng, tương đương 63%; SHB 42.000 tỉ đồng, tương đương 55%; Techcombank 23.000 tỉ đồng, tương đương 62%. Ngân hàng Phương Nam tuy chưa công bố số liệu cả năm 2013, nhưng tính đến hết quí 3-2013 cũng giải ngân được 30.000 tỉ đồng cho khối này.
Có thể thấy ngoài tiềm lực về vốn dồi dào, các ngân hàng như VietinBank, BIDV, Vietcombank có thể dễ dàng tiếp cận nhu cầu vốn của khối doanh nghiệp nhà nước nhờ xuất thân từ quốc doanh. Việc đạt chỉ tiêu tín dụng hàng năm không phải là mục tiêu quá khó khăn đối với họ. Các ngân hàng nhỏ hơn tuy tập trung phát triển tốt tín dụng ở khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhưng khối lượng tín dụng được giải ngân còn quá ít so với nhu cầu của nền kinh tế.
Một đặc điểm nữa có thể thấy trong cơ cấu tín dụng theo loại hình doanh nghiệp là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phụ thuộc rất ít vào nguồn tín dụng của các ngân hàng Việt Nam. Ở các ngân hàng lớn, tỷ trọng tín dụng cho khối này chỉ chiếm 2-5%. Tại các ngân hàng có quy mô nhỏ hơn, dư nợ cho vay với các tổ chức có vốn đầu tư nước ngoài hầu như không đáng kể.
Tín dụng xây dựng, bất động sản luôn kịch trần giới hạn
Từ đầu năm 2012, nhằm giảm thiểu rủi ro nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước đã giới hạn tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng tùy theo từng nhóm mức độ an toàn. Các ngành chứng khoán, bất động sản bị hạn chế cho vay (không quá 16% tổng dư nợ. Ngoài ra, để kìm hãm lạm phát, cho vay tiêu dùng cũng bị kiềm chế.
Hai năm qua, dư nợ cho vay xây dựng của VietinBank ở mức từ 6-7% tổng dư nợ, tương đương 20.000-25.000 tỉ đồng; dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản của VietinBank cũng chiếm một tỷ trọng tương đương trong tổng dư nợ. Ở quy mô nhỏ hơn, SHB và MBB chỉ giải ngân được từ 10.000-15.000 tỉ đồng mỗi năm cho xây dựng và bất động sản, chiếm khoảng 15% tổng dư nợ của những ngân hàng này. Tuy nhiên, tại BIDV, dư nợ cho vay xây dựng lên tới 56.000 tỉ đồng, chiếm 14% dư nợ; cho vay bất động sản cũng chiếm gần 28.000 tỉ đồng, tương đương 7%. Gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho thị trường bất động sản khởi động không mấy thành công nên dư nợ tín dụng lĩnh vực này tăng chậm vào cuối năm 2013.
Các lĩnh vực được tập trung rót vốn nhiều trong hai năm qua vẫn là sản xuất, công nghiệp chế biến, chế tạo. Tỷ trọng tín dụng dành cho các lĩnh vực này tại VietinBank chiếm tới 34% tổng dư nợ, tương đương 128.000 tỉ đồng. Ở Vietcombank, các con số này lần lượt là 34% và 94.000 tỉ đồng. BIDV cũng rót 85.000 tỉ đồng vào lĩnh vực sản xuất, chiếm 20% dư nợ cho vay. SHB và MBB cũng dành tỷ trọng cao nhất trong dư nợ cho vay cho lĩnh vực này.
Sau sản xuất và công nghiệp, lĩnh vực được ưu tiên cho vay khá cao tiếp theo là bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và xe có động cơ khác. Tỷ trọng tín dụng dành cho các ngành này chiếm trên dưới 20% tổng dư nợ cho vay tại nhiều ngân hàng. Trong năm 2013, VietinBank đã rót hơn 100.000 tỉ đồng vào lĩnh vực này, chiếm gần 30% dư nợ cho vay của ngân hàng. MBB cũng cho vay 20.000 tỉ đồng vào lĩnh vực kinh doanh ô tô, xe máy, chiếm hơn 20% dư nợ cho vay. Tín dụng dành cho kinh doanh ô tô, xe máy của BIDV năm qua cũng ở mức 88.000 tỉ đồng, chiếm 23% dư nợ cho vay.
Những nhóm ngành kinh tế khác như nông, lâm nghiệp, thủy sản, khai khoáng chỉ chiếm một tỷ trọng tín dụng từ 3-5% tại các ngân hàng. Lĩnh vực khoa học xã hội, thông tin, truyền thông, vận tải hay các nhóm ngành dịch vụ khác chiếm tỷ lệ tín dụng không đáng kể. Điều này vừa cho thấy sự chậm phát triển của nhiều nhóm ngành trong nền kinh tế vừa cho thấy các ngân hàng có sự phân bổ tín dụng chưa đồng đều với các ngành trong nền kinh tế.
Nguồn Thời báo kinh tế Sài Gòn