Ảnh: Tin nhanh chứng khoán.
Tín dụng tiêu dùng: Rủi ro từ sự vay mượn quá mức
Tỷ trọng tín dụng tiêu dùng (TDTD) so với GDP đạt hơn 25% vào cuối năm 2018 và bắt đầu tiệm cận ngưỡng cảnh báo của IMF. Phát triển tín dụng tiêu dùng, rủi ro có thể nằm ở việc vay mượn quá mức, bên cạnh các rủi ro hệ thống, rủi ro cá thể làm mất khả năng trả nợ.
Rủi ro cho "khát vọng đổi đời"
Một thực tế, khi tỷ lệ TDTD so với GDP quá cao, rủi ro mất khả năng thanh toán của người vay nợ tăng lên, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng của TDTD cao hơn tốc độ tăng của GDP danh nghĩa.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước, ông Nguyễn Tú Anh, cho rằng, rủi ro vay mượn quá mức chủ yếu do người đi vay tiêu dùng ít có các kiến thức về đánh giá và phòng ngừa rủi ro hơn các doanh nghiệp.
Người đi vay thường đánh giá quá cao khả năng trả nợ và đánh giá quá thấp các rủi ro đối với dòng tiền trong tương lai của chính mình. Điều này đặc biệt đúng trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng tốt như Việt Nam hiện nay.
Theo quan sát của ông Nguyễn Tú Anh, sự gia tăng mạnh mẽ của TDTD trong những năm gần đây cũng một phần do tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn được cải thiện và kỳ vọng về dòng thu nhập trong tương lai của người dân tăng lên.
Tỷ lệ TDTD/GDP tuy vẫn thấp nhưng cũng đang tăng lên, trung bình từ 6% giai đoạn 2011-2014 lên khoảng 12% giai đoạn 2015-2016 và khoảng 24% giai đoạn 2017-2018.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho rằng, tốc độ tăng tín dụng tiêu dùng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập bình quân sẽ làm cho tỷ lệ dư nợ tín dụng/thu nhập khả dụng giảm và khả năng trả nợ giảm. Thậm chí, đến một thời điểm nào đó việc mất khả năng thanh toán sẽ xảy ra và khủng hoảng TDTD sẽ bùng nổ.
Diễn biến tín dụng tiêu dùng và tín dụng toàn hệ thống. Nguồn: NHNN |
Điều này, từng xảy ra ở Hàn Quốc trong giai đoạn 1998-2002 với dư nợ tín dụng cho hộ gia đình/tổng thu nhập khả dụng liên tục tăng từ 38% lên 63,4%, tỷ lệ này tương tự ở Mỹ là 133% ngay khi xảy ra khủng hoảng mua nhà dưới chuẩn.
Ngoài ra, sức ép cạnh tranh giữa các TCTD với nhau trong việc tranh dành thị phần cũng làm cho các TCTD sẵn sàng cho vay quá mức hoặc cho vay dưới chuẩn. Cuộc khủng hoảng tiền tệ tại Mỹ năm 2008 là ví dụ điển hình cho loại rủi ro này.
Thêm nữa, khách hàng của tín dụng tiêu dùng thường là những người dưới chuẩn ngân hàng. Khả năng đánh giá và quản lý rủi ro của họ thường thấp, trong khi "khát vọng đổi đời" thường cao. Điều này làm cho họ dễ bị rơi vào bẫy nợ nần.
Khi các khách hàng này mất khả năng thanh toán, các biện pháp pháp lý để thu hồi các khoản nợ có thể đẩy họ vào cảnh cùng quẫn và tạo ra hệ lụy xã hội tiêu cực.
Bỏ bớt quy định bắt buộc về vay vốn
Theo báo cáo của Stox Plus về thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam cuối quý 3/2018, 48% dân số Việt Nam đang đối mặt với các rào cản khi tiếp cận với các dịch vụ tài chính.
LS. Trần Minh Hải, Công ty Luật BASICO, cho rằng, thực tế không phủ nhận, tín dụng đen mạnh hơn tín dụng hợp pháp về khả năng giải quyết nhu cầu vay vốn. Nhu cầu vay của người dân luôn tồn tại, nơi có chức năng đáp ứng nguồn cung về tín dụng rõ ràng nhất là các ngân hàng, công ty tài chính.
Tuy nhiên, các quy định hiện nay tại Thông tư số 39 về hoạt động cho vay nói chung của tổ chức tín dụng và Thông tư số 43 về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính đều đang đặt ra những cản trở rõ ràng về đáp ứng nhu cầu cho vay.
Theo các văn bản này, tổ chức tín dụng chỉ được giới hạn cho vay tiêu dùng với các nhu cầu được các Thông tư cho phép. Vậy là rất nhiều các mục đích vay vốn tiêu dùng thực tế khó có thể đáp ứng.
Luật sư Hải dẫn chứng, một người vay tiền cá nhân từ người khác để mua một chiếc xe máy, nay có nhu cầu vay để trả nợ nốt một phần tiền còn lại của khoản nợ đến hạn. Ông chắc chắn rằng, giới tài chính ngân hàng không thể cho vay, bởi nhu cầu này không nằm trong sự cho phép của Thông tư số 39, Thông tư số 43.
Giảm thiểu rủi ro từ sự vay mượn quá mức, LS. Trần Minh Hải, cho rằng, cần gạt bỏ các quy định bắt buộc về nhu cầu vay vốn, hồ sơ vay vốn từ các quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước trong hoạt động cho vay tiêu dùng.
Vị luật sư của BASICO đề nghị, nghiên cứu thay thế quy định về “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” - Điều 201 Bộ luật Hình sự theo hướng ngăn chặn những tác động xấu thuộc bản chất nguy hiểm của tín dụng đen như phân tích.
Ngoài ra, theo LS. Hải, việc cấp phép thành lập mới các tổ chức tài chính, tín dụng là cần thiết để tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu của người dân. Ông cho đây là nhu cầu thiết thực với sự sẵn sàng tham gia thị trường của nhiều tổ chức định chế tài chính trong nước và nước ngoài.