Thứ Bảy | 24/10/2015 16:22

Tín dụng tiêu dùng: Quản trị kém đồng nghĩa với "tự thả gà ra đuổi"

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng, hiện có tới gần 16 triệu người Việt Nam thỏa mãn điều kiện cơ bản để vay tín dụng tiêu dùng

Không chỉ đẩy mạnh cho vay nhỏ lẻ, các ngân hàng và công ty tài chính đang trong cuộc đua ráo riết nhằm chiếm lĩnh thị phần tín dụng tiêu dùng, nhất là trong phân khúc tín dụng mua nhà và tiêu dùng.

Có thể thấy động lực chính của cuộc đua này là do thị trường tín dụng tiêu dùng ngày một trở nên hấp dẫn, khi nhu cầu vốn tiêu dùng của người dân có xu hướng tăng mạnh.

Hiện hầu hết ngân hàng đều có công ty chuyên biệt về cho vay tiêu dùng (mua lại công ty tài chính hoặc thành lập riêng) để đẩy mạnh thị phần.

​Dự báo về "làn sóng" công ty tài chính

Trong thời gian vừa qua, một loạt ngân hàng lớn như BIDV, VietinBank… đã đưa ra phương án thành lập công ty tài chính.

Nếu như các "ông lớn" ngân hàng thương mại quốc doanh phải chờ tới năm 2015 mới định hướng sẽ phát triển mạnh mảng bán lẻ tiêu dùng thì các ngân hàng thương mại cổ phần đã từng bước hiện thực hóa những kế hoạch chi tiết củamình.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược Ngân hàng, hiện có tới gần 16 triệu người Việt Nam thỏa mãn các điều kiện cơ bản về độ tuổi và thu nhập để có thể trở thành khách hàng của loại hình tín dụng này.

Ông Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết, tín dụng tiêu dùng ở nước ngoài phát triển hơn tín dụng truyền thống. Tại Việt Nam, do lịch sử cũng như do đặc điểm của thị trường nên mảng dịch vụ tiêu dùng chưa được phát triển. Trong thời gian qua, thị trườngbất động sản sụp đổ cộng với sức ép về nợ xấu tăng lên khiến các ngân hàng nghĩ đến việc mở rộng dịch vụ này.

“Tôi thấy nó phù hợp với xu hướng và là giải pháp tốt để các ngân hàng giải quyết cùng một lúc được cả hai nhiệm vụ, đó là tăng thị phần, giữ được vị thế của mình và giảm được nợ xấu để tăng lợi nhuận tạo được nguồn thu,” ông Phong nhấn mạnh.

Cũng theo ông Phong, một trong những nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người lựa chọn vay tín dụng tiêu dùng vì thủ tục đơn giản, chỉ cần hai loại giấy tờ tùy thân là chứng minh nhân dân và hộ khẩu (hoặc bằng lái xe) là đã có thể tiếp cận khoản vay và thời gian giải ngân “siêu tốc”, có khi chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ. 

Ngoài ra, các công ty cũng đưa ra nhiều mức lãi suất để khách hàng có thể lựa chọn tùy theo các loại giấy tờ mà khách hàng có thể cung cấp để chứng minh thu nhập và khả năng trả nợ, như bảng trả lương hàng tháng, hóa đơn điện, nước.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cũng cho biết thêm, các công ty tài chính không chịu sự điều chỉnh bởi Luật các tổ chức tín dụng chặt chẽ như các ngân hàng nên họ dễ dàng cho vay hơn.

Các công ty tài chính có thể có mặt ở mọi nơi. Ở các nước phát triển, sự có mặt của các ngân hàng bị hạn chế còn các công ty tài chính được phép hoạt động ở tất cả các sàn bán xe ô tô, xe máy, nhà hàng, siêu thị… nên mạng lưới của các công ty tài chính phát triển rất mạnh. Còn ở Việt Nam, sự có mặt của các công ty tài chính vẫn còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của thị trường nhưng dự báo sẽ sớm được mở rộng.
 

Tin dung tieu dung: Quan tri kem dong nghia voi Ảnh minh họa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Cân nhắc giữa lãi suất và quản trị rủi ro

Các chuyên gia cho rằng, tiềm năng của thị trường này tại Việt Nam còn rất lớn, nhưng để khai thác được một cách hiệu quả cũng đòi hỏi các tổ chức cho vay tín dụng tiêu dùng phải có sự đầu tư nhất định. Đã có thời kỳ, nhiều ngân hàng muốn tham gia vào hoạt động cho vay tiêu dùng với quan niệm quản lý khoản vay tiêu dùng nhỏ cũng tương đồng với khoản vay lớn cho vay trung, dài hạn và họ đã rất tự tin. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mô hình quản lý rủi ro của hai loại hình kinh doanh này hoàn toàn khác nhau.

Hoạt động cho vay tiêu dùng luôn được đánh giá là tiềm năng, song rủi ro nợ xấu tiềm ẩn không nhỏ. Đó cũng chính là lý do vì sao lãi suất cho vay tiêu dùng được các công ty tài chính áp dụng phải cao hơn lãi suất ngân hàng. 

Ông Phong phân tích, cho vay tín dụng tiêu dùng không thế chấp được mà chủ yếu cho vay tín chấp bằng mức lương, tuy nhiên, người đi vay hiện nay có việc làm và thu nhập không ổn định nên rủi ro nợ xấu tiềm ẩn không nhỏ. Các công ty tài chính không cẩn thận sẽ vướng mắc vào bẫy phá sản của người vay.

Chính vì vậy, bản thân các ngân hàng và các công ty tài chính hiện nay cũng đang lúng túng về vấn đề cân đối giữa lãi suất, rủi ro và các chi phí vận hành. Nếu cho vay với lãi suất cao để bù lại những khoản rủi ro và đảm bảo có lãi để duy trì hoạt động thì khó mở rộng nguồn khách hàng, nhưng vay với lãi suất thấp thì không đảm bảo vận hành công ty.

Để hạn chế được rủi ro, theo các chuyên gia, các công ty tài chính cần tập trung vào những khách hàng có tiềm năng và chứng minh được khả năng trả nợ. Hiện nay, mỗi ngân hàng và công ty tài chính có những mục tiêu đối tượng khác nhau, những người có thu nhập trung bình lại là những khách hàng tiềm năng hơn vì họ không phải là người tiêu dùng theo kiểu xa xỉ mà họ dùng cho những việc hữu ích.

Ngoài ra, các công ty tài chính cũng cần đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng quy trình xét duyệt và kiểm soát chặt chẽ khoản vay, cũng như xây dựng cơ chế bảo hiểm cho từng món vay phải khác nhau, nếu không sẽ giống như “tự thả gà ra đuổi” với những hợp đồng cho vay tín chấp. 

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, nên có những cải tiến trong công tác quản trị rủi ro cho ngân hàng và các công ty tài chính. Trong điều kiện hiện nay, có thể nói luật pháp chưa bảo vệ bên cho vay, do đó, nếu không có cơ chế kiểm soát và dự phòng rủi ro hiệu quả thì ngân hàng và công ty tài chính sẽ chịu nhiều tổn thất hơn so với người tiêu dùng.

Hoạt động Mua bán và Sáp nhập (M&A) đã diễn ra rất nhộn nhịp thời gian qua, có thể kể tới các trường hợp: 

- HDBank mua lại công ty tài chính Việt (SVGF) và đổi tên thành HD Finance.

- Maritime Bank thừa hưởng nền tảng phát triển tài chính tiêu dùng từ ngân hàng vừa nhập sáp nhập MDB (do từng bắt tay với cổ đông chiến lược là Công ty đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH).

- VPBank mua lại Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Tài chính Than Khoáng sản Việt Nam (CMF) và đổi tên thành Công ty tài chính Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPB FC). 

Techcombank mua Tài chính Hóa chất và SHB được biết đang lên kế hoạch dự tính mua lại công ty tài chính Vinaconex-Viettel.

Nguồn Vietnam+