"Tín dụng tháng 3 tăng trở lại"
"Nếu xét về doanh số cho vay thì 3 tháng đầu năm nay còn cao hơn cùng kỳ năm trước. Vốn tín dụng ngân hàng vẫn có sự luân chuyển vào nền kinh tế. Tuy nhiên, việc tín dụng tăng trưởng âm là do khoản thu nợ cao hơn khoản cho vay mới", bà Nhung nói.
Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng 3 tháng đầu năm (đến 20/3) tăng trưởng âm 2,13%. Trước đó, theo báo cáo hoạt động ngân hàng tháng 2, tăng trưởng tín dụng với nền kinh tế tới 20/2 giảm tới 2,51%.
Nguyên nhân khiến các khoản cho vay mới giảm, theo bà Nhung là do hiện nay các doanh nghiệp gặp khó khăn, sức đề kháng kém nên không chứng minh được khả năng trả nợ cho ngân hàng, do đó không được giải ngân. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay hiện vẫn ở mức cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp nên một số doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn.
Theo bà Nhung, biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới vẫn sẽ là điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt, đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 15 - 17%, trong đó biện pháp chủ yếu là giảm lãi suất và phân bổ hạn mức tín dụng cụ thể cho các nhóm ngân hàng.
Các ngân hàng có tiềm năng về mạng lưới, vốn, quản trị điều hành có thể xem xét để nới lỏng hạn mức cho vay lên cao hơn, bà Nhung cho hay.
Hiện Ngân hàng Nhà nước đang chia các tổ chức tín dụng thành 4 nhóm để giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong đó nhóm 1 được tăng trưởng tối đa 17%, nhóm 2 tối đa 15%, nhóm 3 tối đa 8% và nhóm 4 không được tăng trưởng. Tuy nhiên, theo chỉ thị 01 ngày 13/2, sau 6 tháng thực hiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các tổ chức để phù hợp diễn biến thị trường tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng.
Nguồn DVT