Vietcombank tiếp tục vươn lên đầy ấn tượng với con số lợi nhuận trước thuế lên mức hơn 18.300 tỉ đồng. Ảnh: Quý Hòa
Tín dụng tăng thấp, ngân hàng vẫn lãi đậm
Trước thời điểm nghỉ Tết Âm lịch, hàng loạt ngân hàng công bố kết quả kinh doanh ước tính trong năm 2018 với cùng một điểm chung: lợi nhuận tiếp tục tăng mạnh và tỉ lệ nợ xấu giảm. Tuy nhiên, vị thế các ngân hàng ngày nay đã dần tách biệt và rõ ràng hơn. Ở khối ngân hàng quốc doanh, Vietcombank tiếp tục vươn lên đầy ấn tượng với con số lợi nhuận trước thuế lên mức hơn 18.300 tỉ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với BIDV và VietinBank, lần lượt ước khoảng 9.625 tỉ đồng và 6.900 tỉ đồng.
Trong khi đó, ở khối ngân hàng tư nhân, diễn biến khá bất ngờ khi Techcombank vượt lên trên VPBank, trong khi năm ngoái ở mức tương đương nhau. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt mức kỷ lục, lên đến 10.661 tỉ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Còn VPBank thì đạt gần 9.200 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Có thể thấy vị trí trên bảng tổng sắp đã có nhiều thay đổi, nhưng nhìn chung, tổng lợi nhuận của các tổ chức tín dụng năm 2018 dự báo tăng khoảng 40% so với năm trước, tương đương với mức tăng trưởng trong năm 2017, theo ước tính của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ con số tín dụng tăng trưởng ở mức thấp, toàn hệ thống chỉ 14%, tương đương với thời điểm cách đây gần 5 năm. Điều này cho thấy dường như tín dụng truyền thống không còn là phương án kiếm tiền duy nhất của các ngân hàng.
Ảnh hưởng của việc tăng trưởng tín dụng chậm hơn phải nói đến VPBank. Ngân hàng này không đạt kế hoạch một phần vì tăng trưởng của FE Credit, công ty tài chính cho vay tiêu dùng, đã chậm lại. Đại diện VPBank cho biết, hạn mức tín dụng được phê duyệt cho ngân hàng riêng lẻ (17%) và FE Credit (20%) thấp hơn mục tiêu ban đầu Ngân hàng đề ra đã phần nào ảnh hưởng tới lợi nhuận của Ngân hàng trong năm ngoái.
Tuy nhiên, điểm sáng là lợi nhuận riêng lẻ của Ngân hàng (không bao gồm lợi nhuận công ty con chuyển về) đạt xấp xỉ 5.100 tỉ đồng, tăng hơn 31% so với năm trước đó và chiếm hơn 55% tổng lợi nhuận hợp nhất của cả ngân hàng.
Trong khi đó, đại diện Techcombank cho biết tăng trưởng đến từ hoạt động cho vay mua nhà tăng 20%, kéo theo tỉ trọng vay cá nhân trên tổng danh mục cho vay lên đến 45%.
Techcombank được lợi vì huy động vốn giá rẻ từ cá nhân (tăng 17%, đẩy tỉ trọng tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi khách hàng - tỉ lệ CASA tăng lên mức 28,7%). Ngân hàng này cho biết thêm, mảng khách hàng doanh nghiệp cũng tăng mạnh, với dư nợ tăng lên 49% và doanh thu tăng 33% so với cùng kỳ.
Có thể thấy thu nhập của các ngân hàng không còn chủ yếu đến từ tín dụng truyền thống nữa, mà từ hoạt động dịch vụ. Công ty Chứng khoán Rồng Việt kỳ vọng thu nhập dịch vụ ở các ngân hàng sẽ tăng trưởng 26,4% trong năm 2019, chiếm tỉ trọng 10% trong tổng thu nhập hoạt động (năm ngoái là 8,6%).
Trường hợp của Techcombank cũng cho thấy các ngân hàng chuyển hướng dần sang bán lẻ, như nhiều ngân hàng khác đang thực hiện, kể cả những ông lớn như Vietcombank. Ở trường hợp MB, trong thời gian qua, ngân hàng này liên tục đẩy mạnh hoạt động của các công ty thành viên, từ MBS (chứng khoán), MIC (bảo hiểm), MB Aegas Life (liên doanh bảo hiểm nhân thọ), MB Capital và Mcredit (cho vay tiêu dùng), với mục tiêu tạo hệ sinh thái để bán chéo sản phẩm.
Thực tế cho thấy trong năm qua, các ngân hàng báo lãi đậm từ nhiều mảng kinh doanh, không chỉ nhờ cho vay bất động sản sôi động trong nửa đầu năm 2018, mà còn thu lợi nhuận từ việc thoái vốn các khoản đầu tư, trong đó có nhiều khoản đầu tư vào tổ chức tín dụng cùng ngành. Bên cạnh đó là mảng bảo hiểm liên kết ngân hàng cũng tiếp tục giúp các tổ chức tín dụng báo lãi cao.
Ngân hàng không chỉ báo lãi đậm trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng tín dụng chậm lại, mà còn ở tỉ lệ nợ xấu thấp, lãi suất tăng nhẹ, lạm phát ở mức kiểm soát tốt và tỉ giá ổn định (biến động ít hơn các loại tiền tệ khác trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay gắt). Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 12.2018, tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 1,89%, giảm so với con số 2,46% vào cuối năm 2016 và mức 1,99% năm 2017.
Trong năm nay, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết tình hình có vẻ vẫn tích cực. Khảo sát của Vụ Dự báo Thống kê cho thấy có 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục được cải thiện hơn so với năm ngoái, tăng so với con số năm ngoái là 86%. Tuy nhiên, có đến 17 tổ chức tín dụng dự báo lãi suất sẽ tăng, dù ở mức thấp, nhưng cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của ngành.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng sẽ bước vào năm “quyết định” của quá trình thực thi tiêu chuẩn Basel II để đáp ứng các tiêu chí an toàn trong hoạt động ngày càng cao hơn. Huy động vốn từ tổ chức và cá nhân tiếp tục là đường đua quyết liệt và căng thẳng ở nhiều ngân hàng.
Trong bối cảnh này, một điểm sáng đáng ghi nhận là nhiều ngân hàng đang đầu tư rất tích cực cho công nghệ. Trên thực tế, có vài ngân hàng đã báo cáo lượng người dùng và doanh thu đang tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi kỹ thuật số trong ngành tài chính mới chỉ bắt đầu và sẽ là bàn đạp quan trọng cho các ngân hàng trong tương lai.