Tín dụng tam nông đang bứt phá
Vốn lớn cho “Nhà bếp của thế giới”
Các chuyên gia quốc tế đã từng khuyến nghị Việt Nam trở thành “Nhà bếp của thế giới”, trong đó vùng ĐBSCL được coi là nơi cung cấp nguyên liệu chính. Bởi khu vực này có đủ tiềm năng sản xuất lương thực, thủy sản, trái cây… cho các bếp ăn mọi gia đình trên toàn cầu. Trong nhiều năm qua, các chính sách tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu hàng nông-thủy sản từ khu vực này đã đổ về đây rất lớn, trong đó có việc dồn vốn tín dụng về nông thôn.
Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tính đến cuối tháng 9/2014, tổng dư nợ tại các TCTD khu vực ĐBSCL đạt gần 332.600 tỷ đồng, tăng 7,64% so với cuối năm 2013 và chiếm 8,98% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế.
Các mô hình sản xuất lớn đang trở thành điểm tựa tăng trưởng tín dụng lĩnh vực tam nông |
Mặc dù được đánh giá là khu vực sinh lời thấp do chi phí cao và đối diện với nhiều rủi ro khách quan, nhưng nếu so sánh với các năm trước thì trong vòng 3-4 năm trở lại đây, nguồn vốn tín dụng đổ vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (NN-NT) đã có những cải thiện mạnh mẽ. Sự cải thiện này thể hiện ở 2 phương diện: thứ nhất, tổng nguồn vốn cho vay tăng mạnh; thứ hai, lãi suất cho vay đã liên tục giảm theo từng năm.
Ở phương diện thứ nhất, có thể thấy, tính đến giữa năm 2010, dư nợ cho vay lĩnh vực NN-NT toàn quốc mới đạt trên 315.000 tỷ đồng. Một nửa dư nợ này được cho vay tại khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL. Nhưng đến nay, riêng dư nợ tại khu vực ĐBSCL đã đạt gần 332.600 tỷ đồng. Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, nguồn vốn vay ngân hàng tại khu vực ĐBSCL đã tăng trên 220.000 tỷ đồng.
Điểm lại trong giai đoạn 2011-2013, nổi bật nhất trong các chính sách tín dụng cho NN-NT chính là việc thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP (NĐ 41) của Chính phủ và các chương trình tín dụng nông nghiệp đặc thù như: Chính sách tín dụng đối với chăn nuôi và thủy sản theo Văn bản 1149/TTg-KTN (Văn bản 1149); Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Chính sách cho vay đối với ngành lúa, gạo; chính sách cho vay theo chuỗi giá trị sản phẩm...
Ghi nhận đến thời điểm cuối năm 2013, có thể thấy hầu hết các chính sách nói trên đều được ngành Ngân hàng thực hiện khá hiệu quả. Cụ thể, tính đến tháng 12/2013 dư nợ cho vay lĩnh vực NN-NT đạt gần 672.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 20% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế, tăng 2,3 lần so với cuối năm 2009 (trước khi có NĐ 41).
Trong khi đó, đến tháng 4/2014 dư nợ cho vay chăn nuôi, chế biến thịt lợn, gia cầm, cá tra và tôm theo Văn bản 1149 đạt khoảng 55.200 tỷ đồng; dư nợ cho vay hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản đạt trên 1.300 tỷ đồng. Đặc biệt, trong thời gian từ đầu 2014 đến nay, thực hiện Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp, NHNN đã chỉ đạo các TCTD thực hiện cho vay ở nhiều địa phương.
Tính đến thời điểm hiện nay, chương trình này đã cho vay thí điểm ở 6 địa phương với tổng số vốn khoảng 2.720 tỷ đồng. Một số DN lớn tại Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang vay được nguồn vốn lớn với lãi suất 7% -10,5%/năm để thực hiện các dự án sản xuất, chế biến xuất khẩu lúa gạo, cá tra và hoa màu.
Ở phương diện thứ 2, NHNN đã điều chỉnh giảm mạnh và liên tục mặt bằng lãi suất. Tính đến thời điểm cuối năm 2013, mặt bằng lãi suất cho vay đã ở mức thấp, chỉ bằng 50% mức lãi suất bình quân của năm 2011. Từ đầu năm 2014, NHNN tiếp tục điều chỉnh giảm đồng bộ các loại lãi suất. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa đối với các lĩnh vực ưu tiên (trong đó có NN-NT) giảm 1%/năm, hiện phổ biến ở mức 7-8%/năm, thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực khác khoảng 2-3%/năm.
Công mạnh vào điểm yếu
Nhận thấy việc tăng trưởng tín dụng ở các địa phương khu vực ĐBSCL còn nhiều rào cản khách quan như: quy hoạch chưa đồng bộ, thói quen sản xuất nhỏ lẻ còn phổ biến, chuỗi liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo; hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu chưa được đầu tư thỏa đáng... ngành Ngân hàng đã có nhiều nỗ lực “đánh” thẳng vào các hạn chế này để tăng khả năng cho vay.
Cụ thể, đối với các TCTD, trong các năm 2012-2013, NHNN đã hỗ trợ các ngân hàng có tỷ trọng cho vay NN-NT lớn (từ 40% trở lên) thông qua tái cấp vốn và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc. Hiện nay, ngoài Agribank, đã có một số TCTD khác như LienVietPostBank, MDB, MHB… được thực hiện dự trữ bắt buộc ở tỷ lệ 1/5 so với tỷ lệ thông thường. Cách hỗ trợ này của NHNN đã giúp các TCTD hoạt động mạnh ở lĩnh vực nông nghiệp luôn có đủ nguồn vốn rẻ cho vay và chủ động ứng phó với các rủi ro khi phải đối mặt nguy cơ nợ xấu do thiên tai, dịch bệnh.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các TCTD mở rộng mạng lưới tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, NHNN cũng có chính sách ưu tiên cho các ngân hàng mở chi nhánh và phòng giao dịch tại các địa bàn NN-NT. Chỉ riêng trong hai năm 2012-2013, NHNN đã cho phép các TCTD thành lập 90 chi nhánh và nhiều điểm giao dịch trên địa bàn các tỉnh, thành nông nghiệp trọng điểm.
Song song đó, NHNN cũng chỉ đạo các TCTD rà soát và hoàn thiện hồ sơ tín dụng theo hướng tiết giảm tối đa thủ tục, giấy tờ. Đồng thời, đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất của nông dân như cho vay liên vụ, cho vay qua sổ tín dụng; áp dụng cho vay qua sổ đối với những khoản vay dưới 50 triệu đồng... để tăng khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của nông hộ, giảm thiểu phụ thuộc vào tín dụng đen.
Song, do tính đặc thù của một vùng sản xuất hàng hóa, người dân ĐBSCL khi có tiền lại muốn tiếp tục đầu tư mở rộng nên tỷ lệ vốn huy động tại chỗ trên tổng vốn cho vay của hệ thống ngân hàng trong vùng luôn thiếu hụt. Theo sát Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp” của Chính phủ, từ đầu năm 2014, ngành Ngân hàng đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, triển khai thí điểm các chương trình, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp với quy mô sản xuất lớn. Đến nay đã có 13 DN với 15 dự án được xem xét lựa chọn cho vay thí điểm.
NHNN cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phối hợp đề xuất các DN điển hình của địa phương trong việc triển khai chương trình thí điểm. Dự kiến trong tháng 11 này sẽ có thêm gần 30 DN ở các tỉnh, thành tiếp cận được nguồn vốn vay từ chương trình này với tổng số vốn khoảng 4.600 tỷ đồng.
Nguồn: Thời báo Ngân hàng