Tín dụng ngoại tệ tăng 10%: Cảnh báo đô la hóa trở lại
Tăng vay USD để đầu cơ tỷ giá?
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, Phó tổng giám đốc phụ trách khối nguồn vốn một ngân hàng TMCP cho biết, tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 160.000 tỷ đồng, bao gồm cả USD và VND, trong đó, dư nợ ngoại tệ chiếm khoảng 16 - 17% vào thời điểm cuối năm ngoái. Đến thời điểm hiện tại, dư nợ ngoại tệ đã tăng mạnh gần 10% so với cuối năm, trong khi huy động giảm khoảng 4 - 5%.
Báo cáo Tình hình kinh tế 5 tháng và tháng 5 năm 2014 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích, đối với ngoại tệ, thanh khoản đang chịu áp lực nhất định. Trong khi tính đến tháng 4, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 9,1%, cho vay ngoại tệ đã tăng 7,2% so với đầu năm. Do đó, tỷ lệ cho vay/tiền gửi ngoại tệ đã tăng từ 84,3% cuối năm 2013 lên 99,5% vào cuối tháng 4/2014.
Còn TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, Cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV, Hàm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV cho biết, theo nghiên cứu của Trường, tỷ trọng cho vay ngoại tệ trong tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng chiếm khoảng 12 - 13%, nên nếu tăng 10% cũng không phải là điều quá lớn và cũng không đáng quan ngại. Tỷ trọng tăng 10% của ngoại tệ cũng chỉ bằng tăng hơn 1% nội tệ, bởi nội tệ gấp khoảng 8 lần so với ngoại tệ.
“Việc vay ngoại tệ kinh doanh, đầu cơ trong giai đoạn có những cơn sóng tỷ giá như vừa qua để kiếm lời là chuyện bình thường. Thực tế cũng đã cho thấy, bất cứ lúc nào có sự biến động về tỷ giá, trước đó sẽ có hiện tượng vay ngoại tệ nhiều”, một chuyên gia kinh tế nhận định.
Về hiện tượng này, vị Phó tổng giám đốc trên cho rằng, nghiệp vụ hoán đổi ngoại tệ (swap) với 2 giao dịch ngoại hối được thực hiện đồng thời đã làm giảm đi rủi ro tỷ giá của DN. Ở khía cạnh tích cực, đây là cách thúc đẩy tín dụng tăng thêm, nhưng một mặt khác, rõ ràng NHNN cũng cần để ý hơn để tránh hiện tượng đi ngược lại xu thế, chống đô la hóa, dù các TCTD hiện cho vay cũng phải đúng đối tượng.
“Không ít DN trước kia để có USD trả nợ nước ngoài, đã vay bằng VND, sau đó hoán đổi sang ngoại tệ để trả nợ thay, vì vay nợ trực tiếp bằng USD sẽ đẩy nhu cầu ngoại tệ tăng lên, tuy nhiên, hiện tượng này dường như đang lặp lại”, vị Phó tổng giám đốc nhấn mạnh.
Các chuyên gia kinh tế độc lập phân tích, phần huy động ngoại tệ đang giảm khoảng 4 - 5% từ đầu năm đến giờ, trong khi đó, dư nợ tăng lên nhanh chắc chắn sẽ gây sức ép lên ngoại tệ. Bản thân các ngân hàng cũng không còn dư ngoại tệ nhiều, không thể âm trạng thái nhiều như trước, bởi muốn âm trạng thái, phải vay ngoại tệ bằng cách vay nước ngoài hay trong nước. Vay nước ngoài trước đây khá dễ dàng, dẫn đến tình trạng huy động ngoại tệ nhiều, có phần không dùng đến, bán ra thị trường lấy tiền đồng cho vay với lãi suất tốt hơn hay đầu tư vào trái phiếu chính phủ. Nhưng vay nước ngoài giờ đây không dễ, trong khi phần huy động thấp hơn mà phần đầu tư lớn, nên lượng ngoại tệ cơ bản ngân hàng nắm giữ ít chắc chắn sẽ gây áp lực lên ngân hàng.
Lộ trình chống đô la hóa sẽ kéo dài đến năm 2020, nhưng hiện Chính phủ đã thực hiện thông qua việc tăng dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ và đưa ra danh mục không được phép cho vay ngoại tệ, giảm lãi suất huy động tiền gửi bằng ngoại tệ đối với cá nhân và DN. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2017 - 2018 sẽ không còn tiền gửi ngoại tệ và cho vay ngoại tệ trong hệ thống NHTM. |
Cảnh báo đô la hóa
Trong cuộc trả lời phỏng vấn ĐTCK khi vừa mới nhậm chức, một trong 6 mục tiêu dài hạn được Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Văn Bình đề cập đến trong nhiệm kỳ của mình đó là chống đô la hóa trong nền kinh tế. Tiếp theo đó, NHNN đã thực hiện tốt các biện pháp chống đô la hóa nền kinh tế thông qua Thông tư 37 bằng việc hạn chế cho vay ngoại tệ đối với các DN không có nguồn thu ngoại tệ.
“Tuy nhiên, với việc dư nợ ngoại tệ tăng lên 10% trong 6 tháng đầu năm cũng manh nha phá vỡ mục tiêu chống đô la hóa của NHNN trong khi 2 năm qua, NHNN nỗ lực hạn chế tình trạng vay mượn và chuyển dần quan hệ mua bán ngoại tệ”, vị Phó tổng giám đốc trên nói.
Một chuyên gia kinh tế nhận định: “Cho vay ngoại tệ tăng hiện nay không phù hợp với quá trình chống đô la hóa nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn lúc này”.
Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP cũng thừa nhận, chuyển hoạt động vay mượn thành mua đứt bán đoạn chắc chắn sẽ hỗ trợ tăng dự trữ ngoại hối, không tạo ra tâm lý đắn đo vay ngoại tệ hay VND, nhưng ý định này chưa thể thực hiện vì lãi suất VND và USD vẫn có chênh lệch đáng kể. Đặc biệt khi nhiều DN thấy thông điệp của NHNN cam kết chỉ điều chỉnh tỷ giá thay đổi 1 - 2% thì dù chẳng có nguồn thu ngoại tệ, DN vẫn thích vay ngoại tệ vì lãi suất ngoại tệ đang thấp hơn tiền đồng
Còn TS. Cấn Văn Lực cho rằng, dư nợ cho vay ngoại tệ trong 5 tháng qua tăng hơn nhiều so với nội tệ chưa đến mức nguy hiểm, bởi bản thân các ngân hàng cũng cần phải tự cân đối, không để trạng thái quá chênh lệch giữa huy động và vay ra nếu không phải mua ngoại tệ trên thị trường và sử dụng hạn mức của các ngân hàng nước ngoài cho vay. Dù vậy, NHNN cũng cần phải chú ý để giảm đi tình trạng mất cân đối, đồng thời đảm bảo lộ trình chống đô la hóa.
Như vậy, diễn biến của việc cho vay ngoại tệ tăng nhanh cũng khiến cơ quan quản lý cần thận trọng, nhưng để giảm đô la hóa bằng cách đẩy lãi suất tiền đồng xuống thấp hơn nữa, để khi lãi suất VND và USD tiệm cận nhau thì không còn nhu cầu vay mượn ngoại tệ rõ ràng là điều không dễ dàng.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán