Thứ Tư | 06/02/2013 10:39

Tín dụng khó tăng mạnh

Theo một chuyên gia tài chính, dù NHNN không khống chế hạn mức tín dụng, các ngân hàng cũng khó tăng trưởng tín dụng ồ ạt như trước đây.
Tháng 1/2013, tín dụng giảm 1,06% so với tháng trước đó. Đây là lần thứ hai tín dụng tháng đầu năm không tăng trưởng. Tháng 1/2012, tín dụng cũng giảm 0,79% so với tháng trước đó.

Tăng trưởng tín dụng 2012 của toàn hệ thống ngân hàng chỉ đạt 8,91%, cũng phần nào cho thấy những khó khăn trong hoạt động ngân hàng một năm qua, khi có ngân hàng tín dụng còn tăng trưởng âm.

Tín dụng không tăng được trong tháng đầu năm 2013, nhưng các ngân hàng vẫn đua nhau huy động vốn với nhiều mức lãi suất khác nhau.

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) tại TPHCM cho biết, cuối năm là thời điểm các tổ chức kinh tế rút tiền mạnh để chi lương thưởng cho nhân viên, nên buộc các ngân hàng phải tăng cường huy động vốn để cân đối thu chi.

Tuy nhiên, thanh khoản của hệ thống đến nay vẫn ổn định; thể hiện qua lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm mạnh, các ngân hàng đều dư dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mặc dù vậy đúng như Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhận định, thanh khoản của hệ thống còn mong manh. Bởi vậy các tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn đẩy mạnh huy động vốn.

Một lãnh đạo NHNN chi nhánh TPHCM cho biết, trong tuần qua (28/1 đến 1/2/2013) riêng 14 NHTMCP trên địa bàn huy động được 3.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy các ngân hàng đang ưu tiên thanh khoản hơn cho vay ra bằng mọi giá.

Phân tích theo tính chất tiền gửi, vị lãnh đạo này cho rằng, lượng tiền gửi tăng trong tháng 1/2013 chủ yếu đến từ tiền gửi thanh toán (tăng 1,42%), do sức mua trên thị trường yếu nên người buôn bán thu tiền hàng hóa sớm trước Tết chuyển vào ngân hàng.

Tiền gửi tiết kiệm dân cư tăng không nhiều do có thể cuối năm nhu cầu chi dùng Tết nên các ngân hàng cũng khó hút vốn tiết kiệm ngoài xã hội, mặc dù chi phí cho chương trình tiết kiệm dự thưởng của các ngân hàng trên địa bàn đang tăng rất nhanh. Trong khi đó vốn dân cư gửi ngân hàng chủ yếu chọn kỳ hạn 1-2 tháng, “trận địa” kỳ hạn trên 12 tháng gần như bị bỏ trống.

Mặc dù theo quy luật thường niên nhu cầu tiền mặt thường tăng cao do nhu cầu chi lương thưởng tết của doanh nghiệp; do nhu cầu tiêu dùng của dân cư. Tuy nhiên, năm nay tình hình có khác. Do khó khăn nên người dân có xu hướng thắt chặt tiêu dùng, doanh nghiệp gặp khó khăn nên lương thưởng cũng thấp.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chi trả tiền thưởng Tết cho nhân viên cũng như chuẩn bị hàng hóa phục vụ tết ngay từ sớm nên nhu cầu tiền mặt cũng không lớn.

Đó là chưa kể, theo một chuyên gia ngân hàng, có thể một số ngân hàng đã sử dụng biện pháp kỹ thuật tác động vào dư nợ những tháng cuối năm 2012, để đạt chỉ tiêu trước cổ đông và kế hoạch lương thưởng trong năm tài chính. Từ đó làm mức tăng tín dụng cuối năm 2012 “phình” ra để đón đầu cuộc phân loại nhóm ngân hàng để được cấp hạn mức tín dụng cao trong năm 2013. Nay, tăng trưởng tín dụng đã trở về con số thực.

NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2013 khoảng 12% so với năm 2012, nhưng hiện chưa có thông tin xếp hạng nhóm tín dụng cho từng ngân hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc không phân hạn mức tín dụng theo nhóm ngân hàng như năm trước là hành động hợp lý khi nhớ lại năm 2012, nhiều TCTD có hạn mức tín dụng đến 15%, song tăng trưởng chẳng bao nhiêu; trong khi nhiều TCTD nhỏ hơn phải xin thêm hạn mức.

Cũng có nguồn tin cho rằng, sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, NHNN sẽ sớm công bố hạn mức tín dụng cho từng nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, như trên đã phân tích, sẽ rất khó để nhận diện chính xác sức khỏe từng ngân hàng để xếp hạn mức tín dụng năm 2013.

Quan trọng hơn, kể cả khi NHNN không khống chế hạn mức tín dụng đi nữa, song theo một chuyên gia tài chính, chính sách tiền tệ năm 2013 hướng vào an toàn hiệu quả, các ngân hàng sẽ không thể tăng trưởng tín dụng ồ ạt như những năm trước đây. Nhất là từ tháng 6/2013, các ngân hàng sẽ phải phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định mới chặt chẽ hơn rất nhiều.

Đặc biệt tiến trình giải quyết nợ xấu trong các ngân hàng yếu kém sẽ tiếp tục được đẩy mạnh. Sẽ rất khó cho hệ thống ngân hàng khi vừa phải xử lý nợ xấu tích tụ qua nhiều năm, đồng thời đẩy mạnh cho vay như mong muốn của nhà quản lý, chuyên gia này nhận định.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Sự kiện