Thứ Tư | 13/08/2014 15:56

"Tín dụng dễ dãi đã làm hại ngành cá tra"

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn, tín dụng dễ dãi của ngân hàng đã "làm hại" ngành cá tra
Cá tra là ngành sử dụng nợ ngắn hạn cao do nhu cầu sử dụng vốn lưu động lớn. Việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao là một con dao hai lưỡi, khi nhu cầu của thị trường xuất khẩu tăng, giá cá cao hơn giá thành, doanh nghiệp có đòn bẩy tài chính lớn sẽ khuếch đại lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu nhưng khi giá cá sụt giảm thì doanh nghiệp cá tra sẽ gặp rủi ro trong vấn đề thanh toán nợ vay ngắn hạn cho ngân hàng.

Theo TS Võ Hùng Dũng, năm 2013, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cá tra đều sử dụng nợ ngắn hạn khá cao, trung bình chiếm tới 97% tổng số nợ. Tình hình tài chính của nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lãi suất cao trong thời gian qua kết hợp với việc sản xuất không hiệu quả đã làm cho các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn trong sản xuất kinh doanh. Bên cạnh đó, các ngân hàng cho vay vốn càng dè dặt hơn do ảnh hưởng của các công ty thủy sản Bình An, Phương Nam, Sông Hậu… càng làm cho các doanh nghiệp trở nên khó khăn về tài chính.

Một doanh nghiệp cá tra niêm yết trên sàn chứng khoán HOSE là Công ty Cổ phần Việt An (HOSE: AVF) cũng đang gặp khó khăn do việc sử dụng đòn bẩy tài chính cao. Theo báo cáo tài chính, tính đến hết quý 1, nợ ngắn hạn của AVF là 1.430 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 447 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu cao (3,2 lần) trong bối cảnh lãi suất cao cộng với tình hình kinh doanh không thuận lợi đã khiến AVF gặp nhiều khó khăn, quý 1/2014, AVF lỗ 7,8 tỷ đồng do chi phí lãi vay cao lên tới 13 tỷ đồng trong khi lợi nhuận gộp là 12,5 tỷ đồng. Doanh thu bán hàng của AVF cũng sụt giảm mạnh xuống 105 tỷ đồng (giảm mạnh so với cùng kỳ đạt 385 tỷ đồng).

Nợ vay ngắn hạn cao, tình hình kinh doanh sụt giảm đã buộc AVF phải tự cấu trúc. Một loạt thành viên HĐQT từ nhiệm trong đó có ông Lưu Bách Thảo bị miễn nhiệm đồng thời 2 chức danh đang nắm giữ là Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Sau đó, ông Thảo đã đăng ký bán ra 320.000 cổ phiếu AVF. Sau khi thực hiện giao dịch, ông Thảo còn nắm giữ 1,7 triệu cổ phiếu, tương đương 4% số lượng cổ phần của AVF.

Thủy sản Bình An, Phương Nam, Sông Hậu, Việt An... là những cái doanh nghiệp cá tra gặp khó khăn khi sử dụng đòn bẩy tài chính lớn để đầu tư vào ngành cá tra.

Trong khi đó, các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức hợp lý, nợ vay thấp vẫn tiếp tục bám trụ với ngành và đạt được một tỷ suất lợi nhuận tốt.

CTCP Vĩnh Hoàn là một điển hình khi tỷ lệ nợ ngắn hạn trên vốn chủ sở hữu giữ vững ở mức thấp trong một thời gian dài. Theo báo cáo tài chính, tính đến hết quý I, nợ ngắn hạn của VHC là 833 tỷ đồng trên vốn chủ sở hữu 1.485 tỷ đồng.

Cấu trúc tài chính tốt, dòng tiền ổn định từ hoạt động kinh doanh giúp Vĩnh Hoàn vượt qua được giông bão biến động của ngành cá tra.

Tuy nhiên, với những doanh nghiệp sử dụng nợ ngắn hạn quá cao so với vốn chủ sở hữu, việc trả nợ ngân hàng đang là bài toán nan giải.

Vì sao doanh nghiệp cá tra xuất khẩu lại cạnh tranh nhau bán cá với giá thấp trong khi đang bị lỗ, sức ép phải nợ ngân hàng rất lớn đối với các doanh nghiệp vay nợ ngắn hạn, nếu không bán với giá thấp thì không có tiền trả nợ ngân hàng, không có tiền trả nợ công nhân, trả nợ cho nhà máy thức ăn...

Sức ép nợ đã khiến cho các doanh nghiệp trong ngành cá tra rơi cuộc chạy đua "bán phá giá", doanh nghiệp bán giá thấp thì phải mua giá cá thấp của nông dân mới đảm bảo được lợi nhuận.

Theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch CTCP Vĩnh Hoàn, tín dụng dễ dãi của ngân hàng đã "làm hại" ngành cá tra, khi dự báo giá cá tăng, doanh nghiệp sử dụng nguồn tín dụng từ ngân hàng để đầu tư nuôi cá, ngân hàng cho vay vượt quá vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, đến khi tốc độ tăng của nguồn cung vượt so với nhu cầu tiêu thụ, giá cá sụt giảm, các doanh nghiệp sử dụng vốn vay gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ ngân hàng.

Bà Trương Thị Lệ Khanh dự đoán trong vòng 2 năm tới, ngành cá sẽ diễn ra nhiều thương vụ sáp nhập lớn, đó cũng là quá trình tái cấu trúc lại ngành trong bối cảnh giá cá tra sụt giảm, sản lượng xuất khẩu cá tra sang các thị trường lớn của thế giới chững lại kể từ năm 2011, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và cá tra gặp khó khăn trong vấn đề tài chính.

Nguồn Theo DVO


Sự kiện