Thứ Hai | 15/12/2014 17:13

Tín dụng cải thiện cả chất và lượng

Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho rằng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH trong năm 2014 sẽ đạt mục tiêu từ 12 – 14%.

Ông có thể cho biết tình hình tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống NH hiện nay?

Đến thời điểm này, tín dụng toàn hệ thống đã tăng xấp xỉ 11% so với cuối năm 2013. So với mục tiêu 12 – 14% có thể thấy, tăng trưởng tín dụng (TTTD) trong năm 2014 hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu đề ra, qua đó góp phần hỗ trợ thúc đẩy kinh tế.

Có nhiều ý kiến cho rằng, TTTD chủ yếu dồn vào cuối năm nên tác động không nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Ông bình luận gì về ý kiến này?

Tôi nghĩ đấy là câu chuyện của những năm trước. Còn quan sát thực tế tình hình TTTD trong năm 2014 có thể thấy rõ, tín dụng tăng dần đều qua các tháng chứ không phải tăng dồn vào tháng cuối năm. Cụ thể, tháng 7, tín dụng đạt 3,86%; tháng 8: 4,45%; tháng 9: 7,26%; tháng 10: 8,63%; tháng 11: 10,22% và đến thời điểm này tín dụng tăng xấp xỉ 11%.

Như vậy, có thể thấy bắt đầu từ tháng 7, tín dụng đã tăng trưởng đều qua các tháng nên không thể nói là tín dụng tăng dồn cục vào cuối năm. So với năm ngoái, năm nay TTTD có sự cải thiện đáng kể, vừa tăng trưởng tốt hơn vừa tăng đều qua các tháng. Các NH khá chủ động đối với kế hoạch TTTD. Ngay từ đầu năm, các NH đều đưa ra kế hoạch tăng đều tín dụng qua các tháng chứ không để dồn ứ vào cuối năm như những năm trước. Không những vậy, cơ cấu tín dụng của các NH tiếp tục “nắn” vào các lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ như tam nông, xuất nhập khẩu, DNNVV… qua đó góp phần quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Nhưng, con số thống kê cho thấy tín dụng vẫn nhích hơn vào cuối năm?

Tôi cho rằng, cầu tín dụng tăng vào những tháng cuối năm cũng là chuyện bình thường. Trước hết qua các chỉ số vĩ mô như ngành công nghiệp, tiêu dùng, vòng quay vốn NH, cung tiền… đã khá lên. Sự ổn định của kinh tế vĩ mô với nhiều tín hiệu sáng sủa hơn chắc chắn tạo niềm tin kinh doanh cho DN. Nhất là trong điều kiện lãi suất tương đối ổn định và có xu hướng giảm thì DN mạnh dạn hơn trong việc vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, giai đoạn cuối năm, bản thân các DN cũng phải phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, đi kèm theo nó là nhu cầu vay vốn NH. Rồi chưa kể rất nhiều DN tập trung mua bán hàng hóa phục vụ cho hai dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán. Rõ ràng, có thể thấy cầu vốn luôn tăng mạnh hơn so với đầu năm. Trong khi đó, hiện nguồn vốn khả dụng các NH khá dư dả. Cung – cầu vốn gặp nhau nên tín dụng tăng nhiều hơn trong dịp cuối năm là lẽ thường. Nhưng tôi nghĩ rằng, tháng 12 năm nay tín dụng không tăng đột biến như những năm trước. Vì các tháng tín dụng tăng tương đối đều, giảm áp lực giải ngân thời điểm cuối năm.

Dường như đang có phân hóa của dòng vốn tín dụng, NH lớn chỉ cho vay khách hàng lớn, còn các NH nhỏ chủ yếu tập trung bán lẻ?

Không phải đến bây giờ các NH lớn cho vay nhiều khách hàng lớn. Trên thực tế, các tập đoàn, tổng công ty, DN lớn thường là khách hàng truyền thống, lâu năm của các NH có quy mô vốn lớn chứ không phải vì trong bối cảnh hiện nay mà NH đi tìm kiếm khách hàng lớn. Bởi, khách hàng lớn đã và đang hoạt động tốt đâu phải dễ kiếm, NH dễ “đặt chân” vào. Nên có khách hàng truyền thống thì phải duy trì, mở rộng là điều bình thường.

Thứ hai, những NH lớn có quy mô tài sản, vốn tự có lớn mới cho vay các khoản vốn lớn. Các NH nhỏ vốn điều lệ chỉ 3.000 – 5.000 tỷ đồng, nếu cho vay hết hạn mức cho một khách hàng là 15% vốn điều lệ thì mỗi khách hàng lớn chỉ được mức 450 tỷ đồng hoặc 750 tỷ đồng. Mà các khách hàng là tập đoàn, tổng công ty thường vay khoảng vài nghìn tỷ đồng cho mỗi dự án. Với khoản vay như vậy thì chỉ các NH lớn có quy mô vốn vài chục nghìn tỷ đồng mới đáp ứng được như Vietcombank, VietinBank, BIDV...

Còn với các NH nhỏ không có lợi thế về quy mô vốn thì họ sẽ phải kinh doanh theo kiểu nhỏ, chứ không thể vượt quá khả năng thực lực của mình. Đối với thị trường NH bán lẻ, tùy thuộc vào mục tiêu, chiến lược kinh doanh của mỗi NH, không chỉ NH nhỏ tập trung mảng này mà ngay cả NH lớn như Agribank cũng có mấy triệu khách hàng cá nhân. Đây cũng là một hình thức bán lẻ.

Theo Thông tư 36, hệ số rủi ro cho vay lĩnh vực BĐS và chứng khoán giảm chỉ còn 150%. Liệu năm 2015 hai lĩnh vực này có góp phần thúc đẩy TTTD của toàn hệ thống?

Đúng là cho vay lĩnh vực BĐS và chứng khoán được tính hệ số rủi ro giảm, nhưng các điều kiện, quy định cho vay chặt chẽ hơn. Vì thế tôi nghĩ rằng, không nên kỳ vọng sẽ tăng được tín dụng trong lĩnh vực này.

Thực tế, cũng có những ý kiến lo ngại khi nới quy định này dòng tiền NH chảy mạnh vào lĩnh vực BĐS, chứng khoán. Nhưng, tôi nghĩ các NH vẫn đang phải trả giá cho các khoản đầu tư BĐS từ 5-7 năm vừa rồi, nên họ không dại gì đổ mạnh vốn vào lĩnh vực này. Và ngay cả khách hàng cũng đã có kinh nghiệm xương máu về BĐS.

Thực tế, cầu tín dụng BĐS năm nay chưa có gì đột biến, thị trường cũng mới chỉ khởi sắc ở một số phân khúc. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa NHNN sẽ buông lỏng việc kiểm soát tín dụng tại các lĩnh vực của các NHTM. Tôi khẳng định, NHNN đã có chính sách cụ thể quản lý đối với tín dụng BĐS, chứng khoán. Cụ thể là các điều kiện cho vay đối với lĩnh vực BĐS, chứng khoán, theo Thông tư 36, khá chặt chẽ.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn TBNH