Thứ Bảy | 23/02/2013 16:41

"Tin đồn bắt chủ tịch BIDV nhằm phá hoại thị trường tài chính"

Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh cho rằng, sau vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên, các đối tượng thường nhằm vào cá nhân, tổ chức có liên quan để tung tin thất thiệt.
Thiếu tướng Nguyễn Hùng Lĩnh (Cục trưởng An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư, Bộ Công an) cho rằng, tin bịa đặt Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Bắc Hà bị bắt xuất phát từ một số đối tượng xấu nhằm mục đích trục lợi và phá hoại thị trường tài chính, ngân hàng, hiện Cục A84 đang phối hợp với một số đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an điều tra, xác minh truy tìm thủ phạm tung tin bịa đặt nói trên.

"Tin đồn này đã làm ảnh hưởng đến Ngân hàng BIDV nói riêng, kết quả giao dịch thị trường chứng khoán và thị trường tài chính, ngân hàng nói chung, phải được làm rõ, xử lý" - Thiếu tướng khẳng định. Ông cũng cho rằng, sau vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), các đối tượng thường nhằm vào những cá nhân, tổ chức có liên quan để tung tin thất thiệt.

Theo ông, thông tin bịa đặt được tung ra thời điểm nào?

Từ Tết đến nay đã có nhiều thông tin sai lệch liên quan tài chính, ngân hàng, chúng tôi đã chỉ đạo xác minh. Sáng 21/2, trong lúc ban lãnh đạo BIDV dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà đang họp triển khai kế hoạch kinh doanh, thực hiện Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ và Chỉ thị 01 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì xuất hiện tin đồn.

Lúc đầu, tin đồn nói là một lãnh đạo ngân hàng bị bắt, sau đó tin nói rõ là Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà. Qua công tác trinh sát, chúng tôi nhận được thông tin này, sau đó trên mạng cũng rộ lên...

Theo thiếu tướng, vì sao xuất hiện thông tin trên?

Kẻ tung tin bịa đặt có thể nhắm tới nhiều mục đích, trong đó có mục đích trục lợi. Ngoài ra, việc tung tin bịa đặt còn nhằm phá hoại thị trường tài chính, tiền tệ, ngân hàng. Bộ Công an, Tổng cục An ninh II đang truy tìm thủ phạm tung tin bịa đặt trên để làm rõ, xử lý. sau vụ bắt “bầu Kiên”, các đối tượng thường nhằm vào những cá nhân, tổ chức có liên quan để tung tin thất thiệt.

Tại sao tin bịa đặt lại nhằm vào BIDV, cụ thể là Chủ tịch HĐQT Trần Bắc Hà?

Lĩnh vực tài chính, ngân hàng hiện rất sôi động, các ngân hàng thương mại cũng đang thực hiện chủ trương tái cơ cấu, khắc phục khó khăn. Do đó, việc các đối tượng tung tin bịa đặt có thể nhằm phá hoại hoạt động bình thường của ngân hàng, về tiền tệ và mục đích trục lợi. BIDV là ngân hàng lớn trong hệ thống ngân hàng thương mại, tầm ảnh hưởng lớn nên có thể đối tượng tung tin nhằm gây hoang mang, gây khó khăn cho BIDV.

Về thị trường chứng khoán, chúng tôi cũng đang phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý bởi tin đồn này cũng đã khiến thị trường chứng khoán có phiên giảm điểm mạnh, tác động xấu tới thị trường vàng, ngoại tệ.

Văn bản của Tổng cục An ninh II gửi Đài Truyền hình Việt Nam về vụ việc trên.
Văn bản của Tổng cục An ninh II gửi Đài Truyền hình Việt Nam về vụ việc trên.

Việc điều tra, truy tìm thủ phạm tung tin thất thiệt gặp khó khăn gì, thưa Thiếu tướng?

Tung tin truyền miệng rất khó truy tìm. Nhưng thông tin trên mạng thì có căn cứ truy tìm. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ làm rõ động cơ, mục đích việc tung tin bịa đặt là gì. Nhiều khi vì chuyện nói đùa của ai đó rồi tung lên, nhưng cũng có nhiều trường hợp tung tin là có chủ ý, động cơ rõ ràng...

BIDV không phải là trường hợp đầu tiên bị tung tin như trên. Để phòng ngừa, ngăn chặn những tình huống tương tự, các ngân hàng cần chủ động thông tin ra sao?

Khi có tin sai lệch trong dư luận, các ngân hàng cần phải có thông tin chính thức, công bố kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời thông báo cho các cơ quan chức năng làm rõ. Tin đồn nhằm vào ngân hàng nào thì trước hết, ngân hàng đó phải chủ động thông tin cải chính, thông báo công khai, kịp thời để ổn định tâm lý người dân, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động ngân hàng đó và thị trường tài chính, ngân hàng nói chung.

Liên lạc qua điện thoại chiều 22/2, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà cho hay, ông đang bận chủ trì cuộc họp tại Nghệ An. Cuối giờ chiều, ông Hà thông tin lại và nói “tôi không bất ngờ về thông tin này, vì trong hoạt động kinh tế thị trường, những tình huống như vậy đều có thể xảy ra. Quan trọng là phải giữ niềm tin, niềm tin trong công luận, khách hàng, đảm bảo tâm lý thị trường tiền tệ ổn định”. Về việc tại sao thông tin “bị bắt” lại nhắm vào BIDV, ông nói: “Đó là việc CQĐT đang làm. Nhưng trước đó cũng đã có 4 người bị đồn thổi, tin đồn đầu tiên xuất hiện là một quan chức ngân hàng bị bắt, tiếp đến là một giám đốc chi nhánh BIDV, rồi một phó tổng giám đốc và đến tôi. Sau đó còn hai người nữa”. Ông từ chối bình luận chuyện nội bộ và cho rằng, không nên suy diễn như vậy.Ông Trần Bắc Hà nhận định những kẻ tung tin đồn nói trên có lẽ đã kiếm được ít nhất 500 - 700 tỷ đồng từ các thị trường chứng khoán, vàng và tỷ giá vốn diễn biến khá bất thường trong 3 ngày qua. Rõ nhất là thị trường chứng khoán xuất hiện 4 mã có nghi vấn bị làm giá.Kẻ tung tin có dấu hiệu phạm tội vu khống
Trao đổi với các chuyên gia luật, nhiều ý kiến cho rằng, kẻ tung tin thông tin thất thiệt như vậy có dấu hiệu phạm tội vu khống, theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Điều luật quy định: “Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm”. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp tăng nặng thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm như có tổ chức, lợi dụng chức vụ, quyền hạn...

Nguồn Công an Nhân dân


Sự kiện