Thứ Hai | 25/05/2015 12:30

TIME muốn gì ở CMC ?

TIME là ai, và có chiến lược gì tại CMC sau khi đã mua tới 25% cổ phần?

 CMC Telecom đã trở thành công ty hạ tầng viễn thông đầu tiên của Việt Nam có cổ đông chiến lược quốc tế, khi ký kết thỏa thuận đầu tư chiến lược với Tập đoàn TIME dotCom Berhad vào đầu tháng 5 vừa qua. Theo đó, TIME sẽ rót 12 triệu USD để nắm giữ 25% cổ phần của CMC Telecom, đánh dấu bước chân đầu tiên của TIME vào thị trường Việt Nam. TIME là ai? Cổ đông mới này có chiến lược gì tại CMC?

Được thành lập vào năm 1996, TIME là công ty hàng đầu Malaysia về cung cấp giải pháp, viễn thông cho thị trường châu Á - Thái Bình Dương, với giá trị vốn hóa khoảng 1 tỉ USD trên sàn chứng khoán Bursa Malaysia. Hiện tại, nòng cốt trong hoạt động kinh doanh của TIME là hai công ty thành viên đang có tốc độ phát triển mạnh. Đó là Global Transit Group, chuyên cung cấp dịch vụ băng thông toàn cầu và AIMS, cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu.

Sự kết hợp này giúp cho TIME có khả năng mang đến cho khách hàng giải pháp tổng thể từ hạ tầng cáp quang ngầm, cáp quang biển và các dịch vụ giá trị gia tăng để phục vụ cho nhu cầu bùng nổ ở Malaysia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Báo cáo tài chính năm 2014 của TIME cho thấy công ty này có mức tăng trưởng lợi nhuận 22% so với một năm trước đó, nhờ vào nhu cầu sử dụng dữ liệu trong khu vực tăng nhanh. Trong chiến lược của mình, TIME đang lên kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ra bên ngoài Malaysia, đặc biệt là khu vực ASEAN. Có thể nói, việc mua lại 25% cổ phần của CMC Telecom là một bước đi dài cho phép TIME thâm nhập ngay vào thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi nhìn thấy tiềm năng to lớn ở thị trường Việt Nam và đối tác hoàn toàn phù hợp với chiến lược của chúng tôi chính là CMC Telecom”, ông Afzal Abdul Rahim, Tổng Giám đốc TIME, nói. Ông cho biết TIME có thể tăng tỉ lệ nắm giữ tại CMC Telecom lên cao hơn trong tương lai.

Theo ông Rahim, sau hơn 1 năm nghiên cứu thị trường, TIME đánh giá CMC Telecom là đơn vị có mức độ tăng trưởng mạnh, ổn định cũng như có chiến lược phát triển phù hợp với TIME để đầu tư. Chiến lược phù hợp ở đây chính là cả hai đều tập trung vào cung cấp dịch vụ hạ tầng cáp quang và trung tâm dữ liệu.

Nếu như CMC Telecom là con đường tắt để TIME thâm nhập vào thị trường Việt Nam, vậy CMC Telecom sẽ được gì? Theo ông Nguyễn Trung Chính, Tổng Giám đốc Tập đoàn CMC, công ty mẹ của CMC Telecom, việc hợp tác này sẽ có lợi cho cả hai công ty, đưa CMC Telecom trở thành công ty hạ tầng truyền dẫn viễn thông lớn trong khu vực. “Hợp tác này sẽ giúp cho CMC Telecom nâng cao năng lực quản trị, chuyển giao những công nghệ, dịch vụ tiên tiến trên thế giới, mang lại những giá trị cao hơn cho khách hàng tại Việt Nam và các nước trong khu vực”, ông nói.

Qua lời ông Chính, có thể thấy CMC Telecom muốn học hỏi kinh nghiệm phát triển và công nghệ của TIME nhằm thực hiện mục đích trở thành doanh nghiệp hạ tầng viễn thông lớn tại Việt Nam. Quan trọng hơn, CMC Telecom có thể tận dụng hạ tầng sẵn có của TIME để mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế. Đây là một bước đi khôn ngoan giúp CMC Telecom cạnh tranh được với những ông lớn trên thị trường như Viettel, VNPT hay FPT.

CMC Telecom, được thành lập từ năm 2008, là công ty hạ tầng viễn thông nằm trong top 4 các công ty viễn thông hàng đầu Việt Nam. CMC Telecom là nhà cung cấp đầu tiên áp dụng công nghệ GPON và sở hữu hạ tầng truyền dẫn 100% cáp quang. Công ty này cũng được biết tới là nhà cung cấp dịch vụ toàn diện với các sản phẩm truyền số liệu chuyên biệt cho doanh nghiệp, Internet cáp quang cho doanh nghiệp và đặc biệt là sản phẩm Internet trên mạng Truyền hình cáp Việt Nam (VTVnet) cho gia đình. Hai trung tâm dữ liệu trung lập tiêu chuẩn Tier3 của CMC Telecom tại Hà Nội và TP.HCM cũng đã nhận được chứng nhận về bảo mật, an toàn thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế.

Năm 2015, theo đánh giá của Netindex.com, chuyên thu thập dữ liệu từ các ISP (nhà cung cấp dịch vụ Internet) trên toàn cầu để thực hiện công việc đo tốc độ Internet, đã công bố CMC Telecom là ISP có tốc độ download cao nhất tại khu vực Hà Nội.

Mặc cho những thế mạnh này, thị phần của CMC Telecom vẫn còn quá khiêm tốn so với các đối thủ khác trong nước. Theo sách trắng về công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam được công bố tháng 10 vừa qua, thị phần của Internet băng thông rộng cố định của CMC chỉ chiếm có 2,52%, trong khi thị phần của VNPT lên tới 56,52%, FPT Telecom 26,80% và Viettel 9,74%.

Điều này không có nghĩa là CMC Telecom không có cơ hội bứt phá. Tính đến hết năm 2013, Việt Nam có hơn 33 triệu người dùng Internet, tăng từ mức 31 triệu năm 2012, chiếm 37% tổng dân số. Số thuê bao Internet băng rộng đạt 22,3 triệu, trong khi số thuê bao truy nhập Internet qua mạng kết nối di động 3G là 17,2 triệu. Những con số này chắc chắn đã tăng cao hơn trong năm 2014. So với số dân hơn 90 triệu người, dư địa phát triển của các doanh nghiệp cung cấp hạ tầng viễn thông như CMC Telecom vẫn còn rất lớn.

Mục tiêu của CMC Telecom là trở thành công ty hàng đầu Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ viễn thông có chất lượng cao phục vụ thị trường doanh nghiệp trong nước. Nhưng hiện tại mục tiêu này còn lớn hơn. Ông Chính, Tập đoàn CMC, cho biết Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN đã mở ra một thị trường mới và CMC Telecom muốn tiếp cận vào thị trường này.

Sau cái bắt tay chiến lược với TIME, CMC Telecom đã có thể tận dụng hạ tầng sẵn có của TIME để làm điều đó. Trong 5 năm qua, TIME đã đầu tư hơn 200 triệu USD cho hệ thống cáp quang biển trên toàn thế giới. Tập đoàn này cũng tuyên bố sẽ hoàn tất việc đầu tư hai hệ thống cáp quang APG và FASTER nối Malaysia với Mỹ thông qua Hàn Quốc và Nhật trong năm 2016. Trong khi đó, hệ thống cáp quang AAE-1 nối châu Á với Châu Phi, châu Âu và Trung Đông cũng sẽ hoàn tất vào năm 2017. Đây sẽ là lợi thế lớn để CMC Telecom có thể mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.

Thùy Trang