Năm nay, thị trường nội địa chắc chắn sẽ vẫn là thị trường trọng tâm của các hãng hàng không bởi các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm 2021. Ảnh: Quý Hòa

 
Minh Đức Thứ Hai | 29/03/2021 08:30

Tìm tiền cho hãng bay

Cạn kiệt nguồn tiền khiến nhiều hãng hàng không tiếp tục lên tiếng được vay ưu đãi để duy trì hoạt động và vượt qua khó khăn.

Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không gặp khó khăn do COVID-19. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các hãng hàng không đều lên tiếng về rủi ro cạn dòng tiền do ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch và Tổng Thư ký VABA, cho biết thị trường bay quốc tế vẫn đóng băng, hoạt động bay của các hãng chủ yếu chỉ là vận chuyển khách hồi hương, chuyên gia và hàng hóa. Trong 2 tháng đầu năm 2021, vận chuyển khách quốc tế chỉ đạt 66.600 khách, giảm 98,8% so với cùng kỳ năm 2019. 

“Dự báo năm 2021, doanh thu các hãng hàng không vẫn tiếp tục giảm sâu so với năm 2019 và các hãng vẫn lỗ trên 15.000 tỉ đồng từ vận tải hàng không. Đặc biệt, do năm 2020, các hãng đã phải chuyển nhượng tài sản và các khoản đầu tư, tài chính tích lũy từ nhiều năm trước để cải thiện dòng tiền nên năm 2021, các hãng đối diện với nguy cơ cạn kiệt dòng tiền hoạt động từ ngay giai đoạn thấp điểm sau dịp Tết Nguyên đán,” ông Nề nhận định.

Với năm nay, thị trường nội địa chắc chắn sẽ vẫn là thị trường trọng tâm của các hãng hàng không bởi các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), triển vọng ngắn hạn của ngành hàng không tiếp tục không mấy sáng sủa và sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào thành công của các loại vaccine ngừa COVID-19.

Ảnh: Quý Hòa
Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi... Ảnh: Quý Hòa
 

Cho đến nay, Việt Nam nỗ lực giải cứu ngành hàng không bằng nhiều chính sách. Chẳng hạn, với chính sách giảm 50% giá, phí dịch vụ cất hạ cánh, điều hành đi và đến, riêng Vietnam Airlines đã giảm được 155 tỉ đồng; chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không giúp giảm chi phí 164 tỉ đồng. Đối với Bamboo Airways, tổng sồ tiền hưởng lợi từ các chính sách này là 120 tỉ đồng (chiếm khoảng 1,4% tổng chi phí hoạt động của Hãng năm 2020).

Dự báo tình hình năm 2021 vẫn tiếp tục khó khăn, VABA đề xuất các chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hàng không. Đáng chú ý, Vietjet đề nghị được vay tín dụng 4.000-5.000 tỉ đồng trong 3 năm 2021-2023 và được hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay này. Bamboo Airways đề nghị được vay dài hạn 5.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi dưới hình thức tái cấp vốn lãi suất 0% và 5.000 tỉ đồng vay dài hạn khác từ các ngân hàng thương mại với lãi suất được hỗ trợ... mặc dù đây là trường hợp chưa hề có tiền lệ. Hãng bay của tỉ phú Trịnh Văn Quyết dự định bay thẳng tới Mỹ trong quý IV/2021 và mở rộng đội bay từ 29 lên 40 máy bay trong năm nay.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho rằng “hộ chiếu vaccine” sẽ là yếu tố quyết định cho nỗ lực khôi phục ngành hàng không. Mới đây, Vietnam Airlines khẳng định sẵn sàng phối hợp cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm “hộ chiếu vaccine” trong lộ trình từng bước khôi phục mạng bay quốc tế.

Mặc dù vậy, với những khó khăn cận kề của ngành hàng không, VABA cũng đề nghị các doanh nghiệp hàng không được hỗ trợ lãi suất vay; cho phép doanh nghiệp hàng không tái cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021; tiếp tục giảm sâu hơn thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 50% mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi...

Về vấn đề hỗ trợ,  Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, cần phải công bằng cho các hãng hàng không hoạt động tại Việt Nam, cho vay theo tỉ trọng tương ứng của mỗi hãng khi thực hiện đóng góp nghĩa vụ thuế cho Nhà nước trong những năm gần đây và năm 2019.

 

Trong khi đó, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhấn mạnh, mặc dù hãng hàng không Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, nhưng tương quan sức mạnh sau đại dịch COVID-19 có thể có những lợi thế. Chẳng hạn, thị trường nội địa hàng không khá ổn và sẽ tiếp tục ổn nếu như có các giải pháp tích cực hơn cho các hãng hàng không Việt Nam trong dài hạn.

SSI cho rằng, sớm nhất vào nửa cuối năm 2021 sẽ có chuyến bay quốc tế với quy mô hạn chế được mở lại (vài chuyến bay mỗi tuần đến một số điểm nhất định). Thị trường quốc tế dự báo phục hồi thực sự từ năm 2022. Trong năm 2021, chiến lược của các hãng hàng không sẽ tập trung tối đa hóa thị trường nội địa bằng cách mở thêm đường bay, cung cấp nhiều dịch vụ giá trị trên chuyến bay và tạo ra nhiều sự lựa chọn về giá hơn cho hành khách.