Năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.
Tìm sức bật kinh tế 2021
Trong vòng 30 năm qua, 2020 là năm đầu tiên Việt Nam chịu tác động tiêu cực của bất ổn toàn cầu nhưng vẫn giữ được ổn định vĩ mô. Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 là 6,5%. Các tổ chức như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), World Bank, các tổ chức tài chính quốc tế đưa dự báo lạc quan hơn, từ 6,8-7%. Kỳ vọng lạc quan tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 nằm trên yếu tố: ổn định vĩ mô, phục hồi đầu tư tư nhân và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, phục hồi sức mua nội địa, nối lại dòng vốn nước ngoài, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam. Mục tiêu chiến lược giai đoạn 2021-2030 phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 7%/năm. Tuy nhiên, có thể thấy mục tiêu này đang gặp nhiều áp lực lớn. Đặc biệt, khi Việt Nam vẫn phải ứng phó với rất nhiều bất ổn của các nền kinh tế toàn cầu vì dịch bệnh và căng thẳng thương mại song phương, đa phương vẫn tiếp diễn.
Đáng chú ý, để hỗ trợ tăng trưởng, nền kinh tế vẫn tiếp tục bơm tiền, triển khai các gói tài khóa mà tạm thời quên đi hệ lụy là rủi ro nợ sẽ tăng. “Nếu như không phải trong năm 2021 thì trong 5 năm tới, rủi ro nợ tăng chắc chắn sẽ phải xảy ra. Vì vậy, thách thức trong 5 năm tới là làm sao hút về được tiền đã bơm ra trong giai đoạn vừa qua, tái cấu trúc, giảm được khoản nợ của khu vực nhà nước, khu vực tư nhân”, ông Nguyễn Xuân Thành, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, Giảng viên Đại học Fulbright, đưa ra tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2021 mới đây.
Tiến sĩ Quách Mạnh Hào, Đại học Lincoln (Anh), cũng lo ngại khi đề cập lãi suất thấp kích thích các hoạt động đầu cơ rủi ro ngoài sản xuất, làm tăng bong bóng tài sản. Điều này chủ yếu do lãi suất quá thấp kích thích các hoạt động đầu cơ. Hơn nữa, chính sách nới lỏng hiện tại chưa thực sự bao trùm lên nền kinh tế mà chỉ giúp đối tượng là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chính sách tài khóa là chất xúc tác trong năm 2020 nhưng phải thận trọng hơn trong năm 2021.
Về lo ngại này, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước, cho biết trên cơ sở những kết quả tích cực của điều hành chính sách tiền tệ năm 2020, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động và linh hoạt hơn. Ngân hàng Nhà nước kiên định trong kiểm soát lạm phát nhưng vẫn cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Với thanh khoản dồi dào của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước cố gắng ổn định mặt bằng lãi suất vì yếu tố ổn định vĩ mô là vấn đề ưu tiên của Chính phủ.
Theo ông Xuân Thành, để đảm bảo kịch bản kinh tế lạc quan tăng trưởng 6,5-6,7% năm 2021, Việt Nam cần phục hồi sức mua trong nước, khôi phục đầu tư doanh nghiệp tư nhân và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng. Song song đó, Việt Nam phải giữ được chính sách tiền tệ, tài khóa cùng đồng hành, bổ trợ cho nhau ở trạng thái hỗ trợ tăng trưởng, nhưng không làm mất đi các cân đối lớn vĩ mô. Đáng chú ý, năm 2021 để có được tăng trưởng 6,7-7%, đầu tư tư nhân phải hồi phục. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực chính thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau. Đầu tư tư nhân có thể phục hồi nhưng để đảm bảo tăng trưởng, Việt Nam vẫn phải tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2021.
Theo đánh giá, yếu tố rủi ro nhất cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 là xáo trộn và đứt gãy chuỗi cung ứng (chiếm 33%) và yếu tố quan trọng nhất sẽ giúp nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong 2021 là dịch COVID-19 được kiểm soát (chiếm 45%). Vì vậy, theo ông Đặng Hoàng Hải Anh, chuyên gia kinh tế cao cấp của World Bank, thế giới đang chuyển sang tăng trưởng dựa trên sức mua nội địa. Trong khi Việt Nam vẫn thặng dư vốn rất lớn trong dân nên cần nhấn mạnh hơn thị trường nội địa, giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.