Rõ ràng, gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới là cơ hội để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.
Tìm ngôi vương cho gạo Việt
Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, kể câu chuyện về tầm quan trọng của thương hiệu gạo. Đó là sau khi được công nhận là gạo ngon nhất thế giới, loại gạo ST25 đã được chủ hệ thống siêu thị Viet Wah ở Seattle (Mỹ) nhập về phân phối dù trước kia chê gạo Việt Nam không ngon. Tuy nhiên, sau khi đạt được thỏa thuận, Việt Nam lại không có gạo để gửi. Nguyên nhân là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chưa cho phép trồng đại trà giống ST25 với lý do giống gạo này phải được khảo nghiệm ở toàn quốc. “Tại sao một loại gạo đã được quốc tế xác nhận rồi mà phải mất một năm mới được công nhận là giống phổ biến hay không phổ biến?”, Giáo sư Võ Tòng Xuân đặt vấn đề.
Đã vậy, trên thị trường lại xuất hiện nhiều gạo ST25 giả, dẫn đến sự bát nháo đối với loại gạo nổi tiếng này. Chưa hết, sau khi đạt giải Nhất, Hiệp hội Lương thực Việt Nam tiếp tục đưa ST25 dự cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới 2020 diễn ra tại Mỹ và được hạ xuống vị trí... thứ 2, sau gạo Hom Mali của Thái Lan. Dù người trong cuộc đưa ra các quan điểm khác nhau nhưng từ trải nghiệm thực tế, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, cho biết: “Chúng tôi đã có đơn hàng 5-6 container/tháng vào Mỹ nhưng gặp sự cố hạ cấp giải thưởng nên phải tính toán lại”.
Rõ ràng, gạo ST25 đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới là cơ hội để xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Bởi vì, sau hơn 30 năm xuất khẩu, ngành lúa gạo Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc công bố logo thương hiệu quốc gia. “Gạo Thái Lan, Campuchia làm được thương hiệu, xúc tiến thương mại tốt, tiếp thị quảng cáo để khách hàng thế giới biết đến, tạo được niềm tin về chất lượng nên bán được giá hơn. Trong khi đó, với gạo Việt Nam, từ lâu khách hàng thế giới chỉ biết đến là gạo cấp thấp, giá rẻ, nên bán gạo chất lượng cao họ cũng ép giá xuống thấp”, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, giải thích. Đây là lý do khiến gạo Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là gạo cấp thấp, giá rẻ, thua các nước như Thái Lan, Campuchia về nhiều mặt.
Trên thực tế, dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo top đầu thế giới, nhưng giá trị lại thấp nhất nhì thế giới. Điều này khiến 20 triệu nông dân ở vựa lúa gạo lớn nhất của Việt Nam năm nào cũng thấp thỏm lo âu về đầu ra.
Dẫu vậy, 2020 vẫn được đánh giá là năm khá thành công với xuất khẩu gạo của Việt Nam, giá gạo xuất khẩu đã vượt qua Thái Lan, đạt gần 500 USD/tấn. Dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh. Đây là tin vui nhưng những trục trặc xảy ra với loại gạo ngon nhất thế giới ST25 khiến nhiều người vẫn lo lắng cho tương lai của hạt gạo Việt.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, đến năm 2030, xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Theo đó, Việt Nam đang tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng ưu tiên đầu tư một số loại giống để nâng cao giá trị hạt gạo, phù hợp với nhu cầu thị trường. Rõ ràng, Việt Nam rất cần một thương hiệu gạo quốc gia để định danh trên bản đồ lúa gạo thế giới.
“EU là thị trường nhập khẩu gạo rất lớn từ 2,3-2,5 triệu tấn/năm. Vì vậy, với việc Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực và nếu chúng ta kiểm soát tốt chất lượng, tôi tin rằng sắp tới hạn ngạch xuất khẩu sẽ tăng lên”, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhận định về tiềm năng xuất khẩu sang thị trường EU.
Việt Nam đang tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo theo hướng ưu tiên đầu tư một số loại giống để nâng cao giá trị hạt gạo, phù hợp với nhu cầu thị trường. |
“Tuy nhiên, ngay cả tại đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất của cả nước, việc tổ chức mô hình cánh đồng lớn cũng không đạt được hiệu quả như kỳ vọng. Mỗi hộ gia đình có trung bình 5.000 m2 và sản xuất riêng lẻ nên việc áp dụng cơ giới hóa, đầu tư giống và kỹ thuật đều rất khó. Sản xuất không bài bản thì khó xây dựng được thương hiệu”, ông Lâm Định Quốc, nguyên Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, cho biết khó khăn mà Công ty từng trải qua.
Vì vậy, Tập đoàn Lộc Trời đang tạo ra hướng đi mới bằng cách xây dựng hệ sinh thái trong sản xuất lúa gạo. Theo mô hình này, doanh nghiệp cùng với nông dân trồng thông qua đơn đặt hàng của công ty lớn để đáp ứng số lượng, chủng loại, thời gian giao hàng. Mới đây, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu được hơn 126 tấn gạo thơm sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Đây là lô hàng đầu tiên được hưởng thuế suất 0% kể từ khi Hiệp định được ký kết. Lô hàng lần này là 126 tấn gạo thơm giống Jasmine 85 được đóng gói theo quy cách 18 kg. “Nhà nước nên đóng vai trò là trọng tài đảm bảo chuỗi hoạt động liên tục không xảy ra sự cố, để nông dân không đổ thừa cho doanh nghiệp, doanh nghiệp không đổ thừa cho nông dân”, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Lộc Trời, kiến nghị.